HỘI ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM – DẤU ẤN VẬN ĐỘNG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NGHỀ ĐIỀU DƯỠNG

Thứ năm, 11/02/2021 - 14:42

HỘI ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM – DẤU ẤN VẬN ĐỘNG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NGHỀ ĐIỀU DƯỠNG

ThS. Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam

Hội Điều dưỡng Việt Nam vững bước thực hiện sứ mệnh: “Vì nghề nghiệp, Vì hội viên và Vì sức khoẻ cộng đồng”. Tác giả bài báo điểm lại những dấu ấn vận động chính sách phát triển chuyên ngành điều dưỡng của Hội Điều dưỡng Việt Nam và những kiến nghị chính sách cần được xây dựng, bổ sung, điều chỉnh tạo đà cho chuyên ngành Điều dưỡng phát triển và người bệnh được thừa hưởng chất lượng chăm sóc tốt nhất của điều dưỡng.

  1. BỐI CẢNH NGHỀ VÀ SỰ RA ĐỜI HỘI Y TÁ-ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM

1.1. Trước 1975

Công tác điều dưỡng tại các tỉnh phía Nam phát triển sớm hơn phía Bắc cả ba lĩnh vực đào tạo, quản lý và hội nghề nghiệp. Nhiều cán sự điều dưỡng được tu nghiệp tại Anh, Mỹ, Úc… như mô tả trong bảng dưới đây: 

Đặc điểm phát triển Miền Bắc Miền Nam
Trước 1975
1.      Tên nghề –      Y tá –      Cán sự Điều dưỡng

–      Tá viên

2.      Thời gian đào tạo –      Y tá sơ cấp 9 tháng

–      Y tá trung cấp 2.5 năm

–      Cán sự Điều dưỡng 3 năm

–      Tá viên 1 năm

3.      Trường đào tạo –      Trường trung cấp y tế –      Trường cán sự y tế

–      Trường cán sự điều dưỡng

4.      Tổ chức Điều dưỡng bệnh viện –      Y tá trưởng bệnh viện –      Phòng ĐDBV

–      Điều dưỡng giám thị

5.      Bộ Y tế –      Không có

 

–      Có Vụ Điều dưỡng với 3 phòng Kỹ thuật, đào tạo và giám thị vùng
6.      Hội nghề nghiệp –      Chưa có hội –      Có Hội Y tá Ái Hữu

 1.2. Từ sau 1975- 1990

Ngay sau khi đất nước thống nhất, các thể chế nghề Y tá áp dụng thống nhất cả nước theo mẫu hình Miền Bắc. Bỏ ngạch cán sự điều dưỡng, chức danh Điều dưỡng được gọi thống nhất là Y tá và Trường cán sự điều dưỡng đổi thống nhất thành Trường trung cấp y tế.

Y tá chỉ được đào tạo ở trình độ trung cấp, nhiệm vụ chính yếu là thực hiện y lệnh y-bác sĩ, lương thấp, vị thế thấp. Nghề y tá giảm sự hấp dẫn, hàng loạt y tá bỏ nghề hoặc xin chuyển nghề sang học y sĩ, bác sĩ.

Các chuyên gia điều dưỡng Thụy Điển (Sidka Bloom, Eva Jonhanson, Anmarie Nilson, Erma Decal..) đã thổi vào nước ta tư duy mới về nghề Y tá. GS.TS Nguyễn Thu Nhạn, Nguyên Giám đốc Viện Bảo vệ sức khỏe trẻ em (nay Bệnh viện Nhi Trung ương) và cố BS Nguyễn Ngọc Hàm, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí là những thầy thuốc tiên phong đổi mới công tác y tá bệnh viện. Lãnh đạo hai bệnh viện đã ưu tiên cử nhiều y tá sang Thụy Điển học tập, nghiên cứu và sau đó tổ chức các hội nghị vận động Bộ Y tế cho phép thành lập Phòng Y tá thí điểm tại bệnh viện Nhi Trung ương và Ban Y tá tại Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí.

Nhóm y tá trưởng khu vực Hà Nội, trong số đó có Bà Vi Thị Nguyệt Hồ, Phạm Đức Mục, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Niên và nhóm Điều dưỡng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh: Trịnh Thị Loan, cố ThS Nguyễn Hoa, Trần Thị Thuận, Trần Thị Châu…đã vận động cho phép thành lập các Hội Điều dưỡng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Hội Y tá Hà Nội và Hội Y tá Quảng Ninh, tiền đề cho việc ra đời Hội Y tá-Điều dưỡng Việt Nam.

2.NHỮNG DẤU ẤN VẬN ĐỘNG CHÍNH SÁCH

2.1.Vận động thành lập Hội Y tá-Điều dưỡng Việt Nam (1990)

(1) Bối cảnh

Trước những năm 1990, các tổ chức xã hội nghề nghiệp chưa phát triển, việc xin phép thành lập hội Trung ương hết sức khó khăn, phải được Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt.

Nghề Y tá khi đó chỉ được đào tạo trung cấp và phụ thuộc nặng nề vào bác sĩ. Bác sĩ vừa dạy ở trường vừa hướng dẫn thực hành lâm sàng. Y tá trở thành người trợ tá bác sĩ. Người Y tá chịu nhiều thiệt thòi, không có tổ chức đại diện, không tiếng nói đại diện.

Sự nhiệt huyết hoạt động của nhóm Y tá “tiên phong” khu vực Hà Nội, Quảng Ninh và nhóm Cán sự Điều dưỡng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh với sự hậu thuẫn của lãnh đạo BV Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí, cố BS Phạm Văn Thân đã xúc tiến việc thành lập Hội với sự hỗ trợ hiệu quả của các chuyên gia Điều dưỡng Thụy Điển.

(2) Các hoạt động phối hợp và kết quả

1985: Nhóm điều dưỡng các tỉnh phía Nam tiên phong thành lập Hội Điều dưỡng khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định (do tính pháp lý không đủ nên sau này không làm được con dấu).

1989: Hội Y tá Quảng Ninh do cố BS Nguyễn Ngọc Hàm hỗ trợ được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho phép thành lập (Phù hợp với quy định pháp lý thời đó).

1989: Nhóm Y tá Hà Nội với sự giúp đỡ của cố BS Phạm Văn thân thành lập Hội ĐD Hà Nội vào 12/5/1989 do Sở Y tế Hà Nội ra quyết định (tính pháp lý chưa đầy đủ nên đến 2005 khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội mới được công nhận chính thức)

1989: Để chuẩn bị cho sự vận động thành lập Hội Y tá Việt Nam, Tổ chức SIDA Thụy Điển mời đã mời bà Vi Thị Nguyệt Hồ và ông Phạm Đức Mục tham dự Hội nghị ICN lần thứ 19 tại Hàn Quốc với tư cách là quan sát viên và khách mời của Hội Điều dưỡng Thụy Điển. Sau đó, thành lập Ban vận động lập Hội Y tá Việt Nam do Bà Vi Thị Nguyệt Hồ là trưởng ban, các Phó ban gồm: Phạm Đức Mục, Trịnh Thị Loan, Nguyễn Hoa, Nguyễn Thị Niên và một số thành viên như Nguyễn Hải Ninh, Nguyễn Văn Thiều, Nguyễn Thị Hằng với sự hỗ trợ nhiệt huyết của cố BS. Phạm Văn Thân và các chuyên gia Điều dưỡng Thụy Điển. Mặc dù Ban vận động đã nhiều lần tiếp cận với các cơ quan Chính phủ giải trình và xin phép lập hội nhưng chờ đợi nhiều tháng vẫn không nhận được sự đồng ý của Chính phủ

1990: Nhờ sự ủng hộ của cố Chủ tịch Tổng hội Y Dược học GS. Hoàng Đình Cầu đã có sáng kiến cho phép Ban vận động tổ chức Đại hội trù bị tại Hội trường Ba Đình. Cùng ngày, khi Đại hội trù bị đang diễn ra thì nhận được Quyết định cho phép thành lập Hội do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Nguyễn Khánh) ký. Khi đó, Hội Y tá-Điều dưỡng Việt Nam là một trong số ít các hội nghề nghiệp được thành lập trong ngành y tế.

2020: Sau 30 năm thành lập, Hội Điều dưỡng Việt Nam đã phát triển hệ thống tổ chức hoạt động trên phạm vi toàn quốc, 61/63 tỉnh thành hội, 3 Chi hội chuyên khoa, 1 hội ngành, 8 Chi hội trực thuộc, 01 Trung tâm tư vấn và >100 ngàn hội viên. Hội đã chứng minh có thể phát triển theo nguyên tắc Tự chủ, Tự nguyện, Tự quản và Tự lo kinh phí.

2.2. Vận động xây dựng hệ thống quản lý y tá – điều dưỡng các cấp

(1) Bối cảnh

Trước 1975, Bộ Y tế Sài Gòn có Vụ Điều dưỡng, có 3 Phòng là Phòng kỹ thuật, Phòng đào tạo và Phòng giám sát các vùng. Bệnh viện có Phòng Điều dưỡng. Nhiều Điều dưỡng trưởng Bệnh viện được học tập tu nghiệp ở nước ngoài. Miền Bắc chưa có hệ thống tổ chức quản lý y tá ở các cấp.

Sau năm 1975, nhờ sự vận động của các chuyên gia Thụy Điển và sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cũng như Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí, sự ủng hộ của các bậc thầy có tiếng nói tâm huyết như GS.TS Nguyễn Thu Nhạn, cố BS Nguyễn Ngọc Hàm, BS Hoàng Điển Phan, GS.TS Đỗ Đình Hồ và một số lãnh đạo Cục KHCN&ĐT-Bộ Y tế, Vụ Điều trị…đã đưa vấn đề xây dựng hệ thống tổ chức quản lý y tá ở các cấp vào bàn thảo trong các diễn đàn, hội nghị của Bộ Y tế.

(2) Hệ thống quản lý Điều dưỡng từng bước hình thành

  • 1988: Tổ công tác Y tá Bộ Y tế ra đời 1988: do Cố TS. Lê Đức Chính, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Điều trị-BYT làm tổ trưởng được thành lập. Tổ viên gồm BS Lâm Đức Hùng (Vụ Điều trị), BS Đỗ Xứng (Vụ Tổ chức cán bộ). Thành viên gồm: Phạm Đức Mục, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Niên, Nguyễn Thị Chính… Tổ thường xuyên họp tại BV Nhi Trung ương.
  • 1987: Bệnh viện Nhi Trung ương vận động thành công Phòng y tá thí điểm đầu tiên của Việt Nam và ông Phạm Đức Mục được Bộ Y tế bổ nhiệm Trưởng phòng Y tá bệnh viện. Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí tự thành lập mô hình Ban Y tá bệnh viện
  • 1990: Phòng Y tá – Điều dưỡng bệnh viện, được sự đồng tình của cố GS.VS Phạm Song, bà đỡ cho sự ra đời Hội Y tá-Điều dưỡng tiếp tục là bà đỡ cho sự ra đời hệ thống quản lý chăm sóc người bệnh. Quyết định số 570/1990/QĐ-BYT thành lập Phòng Y tá-Điều dưỡng trong các bệnh viện có từ 150 giường bệnh trở lên, theo đó Phòng Y vụ được đổi tên thành Phòng Kế hoạch tổng hợp.
  • 1993: Vận động thành công thành lập Phòng Y tá Vụ Quản lý sức khỏe Bộ Y tế. Bộ trưởng BYT bổ nhiệm ông Pham Đức Mục là Trưởng phòng Y tá Vụ Điều trị BYT. Chuyên viên có bà Nguyễn Bích Lưu, bà Lê Thị Sửu và bà Vũ Thị Hồng Ngọc.
  • 1999: Vận động bổ nhiệm Điều dưỡng trưởng Sở Y tế, được sự ủng hộ của Vụ Tổ chức Cán bộ – BYT (PGS.TS Ngô Toàn Định khi đó là Vụ trưởng), cố GS Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương đã ký Quyết định số 1936 ngày 02/7/1999 về việc ban hành quy định chức năng nhiệm vụ của y tá – Điều dưỡng trưởng Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, theo đó bổ nhiệm chức vụ Điều dưỡng trưởng Sở Y tế kiêm Phó Phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế. Sau 12 năm kể từ năm thành lập Phòng Y tá thí điểm tại Bệnh viện Nhi Trung ương đến năm 1999 hệ thống quản lý điều dưỡng đã được hình thành tại các cấp của ngành y tế.

2.3. Vận động đổi tên nghề Y tá thành Nghề Điều dưỡng

(1) Bối cảnh

Từ sau 1975, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, xuất hiện một nghề có hai tên gọi khác nhau. Miền Bắc gọi Y tá. Miền Nam gọi Điều dưỡng. Y tá hướng tới một nghề trợ tá bác sĩ và Điều dưỡng hướng tới một nghề vừa săn sóc vừa điều trị người bệnh. Mỗi tên gọi đã quen thuộc đối với cán bộ y tế và người dân mỗi miền.

Y tá là tên gọi chính thức theo pháp luật. Vì vậy, hầu hết những người làm công việc chăm sóc người bệnh, đặc biệt các tỉnh Phía Nam tha thiết kiến nghị Nhà nước bỏ nghề Y tá thay bằng nghề Điều dưỡng

Việc đổi tên tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ dàng một sớm một chiều. Bên cạnh những khác biệt về quan điểm, quan niệm còn một khó khăn khác là cụm từ Điều dưỡng đã được Bộ Y tế sử dụng cho hệ thống các Nhà Điều dưỡng, nơi an dưỡng của cán bộ y tế là những rào cản cho việc đổi tên Y tá thành Điều dưỡng.

(2) Những nỗ lực không mệt mỏi của Hội Điều dưỡng Việt Nam

 1990: Vận động sử dụng danh từ kép Y TÁ-ĐIỀU DƯỠNG. Được Bộ Y tế lần đầu tiên chấp nhận chính thức tại Quyết định số 570/QĐ-BYT về thành lập Phòng Y tá-Điều dưỡng trong các bệnh viện có từ 150 giường bệnh trở lên và Quyết định 375 – CT của Hội đồng Bộ trưởng cho phép thành lập Hội Y tá-Điều dưỡng Việt Nam

  • 1993: Vận động đổi tên nghề Y tá thành Điều dưỡng không thành công. Y tá (Điều dưỡng) là hai tên gọi khác nhau của một nghề tương tự như “xe lửa và tầu hỏa”. Vì vậy, Hội Y tá – Điều dưỡng Việt Nam tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế về việc đổi tên nghề và được Bộ Y tế ủng hộ. Bộ Y tế đã có Văn bản số 3167/TCLĐ ngày 17 tháng 5 năm 1993 đề nghị Thủ tướng Chính phủ nhưng không được Chính phủ đồng ý vì lý do nhạy cảm chính trị!
  • 1997: Vận động đổi tên Hội Y tá-Điều dưỡng thành Hội Điều dưỡng Việt Nam. Sau nhiều nỗ lực xin đổi tên nghề không thành công. Hội Y Tá-Điều dưỡng chuyển sang đề nghị Nhà nước đổi tên Hội thành Hội Y tá-ĐD thành Hội Điều dưỡng Việt Nam và đã được Văn phòng chính phủ đồng ý tại Văn bản số 4508/CCHC ngày 10 tháng 9 năm 1997 và phê duyệt Điều lệ Hội Điều dưỡng Việt Nam. Như vậy, việc đổi tên Hội diễn ra trước khi đổi tên nghề.
  • 2005: Tiếp tục vận động công nhận Nghề Điều dưỡng. Thông qua hỗ trợ của Hội Điều dưỡng Canada, Hội Điều dưỡng Việt Nam lại tiếp tục cùng Bộ Y tế xây dựng Tiêu chuẩn nghiệp vụ nghề Điều dưỡng đề nghị thêm Bảng lương Cao đẳng cho điều dưỡng. Trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 41/2005/QĐ-BNV về tiêu chuẩn chức danh nghề điều dưỡng.
  • 2020: Tiếp tục củng cố tên nghề trong ngành và trong xã hội: Mặc dù đã 15 năm, ngành y tế không còn Nghề Y tá nhưng trong ngành y tế, một số cơ quan truyền thông và người dân vẫn gọi Điều dưỡng viên là Y tá. Trong đại dịch Covid–19, mặc dù Điều dưỡng là lực lượng đông nhất, trực tiếp nhất tham gia vào mọi công việc tổ chức sàng lọc, cách ly, xét nghiệm, chăm sóc phục vụ người bệnh Covid-19 trong các cơ sở y tế và cộng đồng nhưng tên tuổi và sự đóng góp thầm lặng của họ được ẩn trong cụm từ Y BÁC SĨ hoặc nếu nhắc đến thì lại dùng từ Y TÁ. Hội ĐDVN đã có Văn bản gửi Trung tâm Tiếng Việt 123 và các cơ quan truyền thông Nhà nước sử dụng đúng tên nghề Điều dưỡng theo quy định pháp luật.

2.4. Vận động bổ sung Bảng lương ngạch Điều dưỡng Cao đẳng và ngạch Điều dưỡng chính (sau đại học)  

(1) Bối cảnh

Nghề điều dưỡng phát triển nhưng chính sách không đồng bộ: Giai đoạn 1990-2010 là thời kỳ phát triển nhanh nhất của nghề Y tá-Điều dưỡng Việt Nam. Hệ thống điều dưỡng trưởng được thành lập từ BYT tới các Sở Y tế và các bệnh viện toàn quốc. Hệ thống đào tạo có thêm ba cấp trình độ: cao đẳng, đại học và thạc sĩ/chuyên khoa I. Sự phát triển nhanh của nghề Điều dưỡng đã tạo nên những bất cập, thiệt thòi  do chính sách vừa thiếu đồng bộ vừa ban hành không kịp thời.

Bằng Điều dưỡng nhưng ngạch công chức là Y tá: Ngạch công chức không tương đồng với văn bằng đào tạo. Quyết định số 415/TCCP-VC ngày 29 tháng 5 năm 1993 về các ngạch công chức ngành y tế, nghề y tá chỉ có ba ngạch theo trình độ đào tạo là Y tá (sơ cấp), Y tá chính (trung cấp), Y tá cao cấp (đại học). Không có Ngạch Y tá cao đẳng và Ngạch sau đại học.

Tốt nghiệp cao đẳng và cử nhân điều dưỡng nhiều năm không được nâng ngạch: Giai đoạn 1997-2005 có tới hàng ngàn điều dưỡng viên cao đẳng, đại học sau khi tốt nghiệp không được thi nâng ngạch, thiệt thòi kéo dài, đơn kiến nghị nối tiếp nhau gửi về Bộ Y tế và Văn phòng Hội Điều dưỡng Việt Nam. Việc ban hành chính sách không kịp thời, làm hàng ngàn điều dưỡng viên ngậm ngùi về hưu chỉ được hưởng lương trung cấp. Bất cập nối tiếp bất cập!.

(2) Hội Điều dưỡng Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế thuyết phục Bộ Nội vụ

Hội Điều dưỡng Việt Nam kêu gọi hỗ trợ của Hội Điều Dưỡng Canada, phối hợp cùng Bộ Y tế (Vụ Tổ chức cán bộ) xây dựng Dự thảo quyết định các ngạch công chức Điều dưỡng để Bộ Nội vụ ban hành.

Dự thảo Quyết định Bộ Nội vụ về ngạch công chức điều dưỡng với 2 đề xuất sửa đổi rất cơ bản: (1) Bỏ ngạch y tá thay bằng ngạch Điều dưỡng; (2) Bổ sung từ 3 ngạch y tá (y tá, y tá chính, y tá cao cấp) thành 6 ngạch công chức Điều dưỡng đồng thời mô tả tiêu chuẩn và nhiệm vụ cho từng ngạch:

  • Điều dưỡng sơ cấp
  • Điều dưỡng trung cấp
  • Điều dưỡng cao đẳng
  • Điều dưỡng
  • Điều dưỡng chính
  • Điều đưỡng cao cấp

Dự thảo quyết định các ngạch công chức điều dưỡng mặc dù đã được thảo luận trong nhiều hội thảo lấy ý kiến góp ý trong và ngoài ngành. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ còn băn khoăn về sự khác biệt nhiệm vụ chuyên môn của 6 ngạch Điều dưỡng do hệ thống đào tạo điều dưỡng khi đó có quá nhiều cấp đào tạo từ sơ cấp đến thạc sĩ.

Lãnh đạo Hội Điều dưỡng Việt Nam đăng ký làm việc nhiều lần với lãnh đạo Vụ Công chức – Bộ Nội vụ để trao đổi ý kiến. Cuối cùng, Bộ Y tế đã ký Văn bản đề xuất và Bộ Nội vụ đã ký ban hành Quyết định số 41/2005/QĐ-BNV về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng. Theo đó, chính thức đổi tên nghề Y tá thành Điều dưỡng và công nhận 6 ngạch Điều dưỡng theo văn bằng đào tạo.

Quyết định số 41/2005/QĐ-BNV về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng không áp dụng với Hộ sinh dẫn đến giai đoạn từ 2005-2015 hộ sinh muốn học đại học phải vận dụng bằng Điều dưỡng phụ sản và vận dụng ngạch điều dưỡng để xếp lương cho hộ sinh!.

2.5. Vận động Danh hiệu thầy thuốc ưu tú

(1) Bối cảnh

Kể từ Thông tư 14-BYT/TT ngày 7 tháng 4 năm 1987 cho tới 2005 (18 năm) danh hiệu Thầy thuốc ưu tú và Thầy thuốc nhân dân chỉ xét cho đối tượng là y sĩ, bác sĩ, dược sĩ, thầy thuốc y học dân tộc làm công tác chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương.

Điều dưỡng, Hộ sinh và Kỹ thuật viên không được xét và không được tham gia bầu chọn Thầy thuốc ưu tú. Những bất cập về đối tượng xét tặng danh hiệu cao quý của ngành y tế cùng với những bất hợp lý đối với cống hiến thầm lặng của lực lượng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên đa phần là phụ nữ đã tác động không nhỏ tới nhiệt huyết và tự hào nghề nghiệp của hàng ngàn điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên.

(2) Các nỗ lực đề xuất của Hội Điều dưỡng Việt Nam

Hội Điều dưỡng Việt Nam đã có nhiều Văn bản kiến nghị Bộ Y tế và Hội đồng thi đua Nhà nước đề nghị điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên được tham gia xét và bầu chọn Thầy thuốc ưu tú.

Không chỉ có kiến nghị bằng văn bản mà còn trình bày quan điểm của hội trong nhiều hội nghị, hội thảo và cuối cùng Bộ Trưởng Bộ Y tế (PGS.TS Trần Thị Trung Chiến) đã có Văn bản đề nghị với Hội đồng thi đua Nhà nước.

Năm 2007, Hội đồng thi đua Nhà nước chấp nhận đề nghị của Bộ Y tế, bổ sung thêm vào danh sách đối tượng được xét danh hiệu Thầy thuốc ưu tú bao gồm điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên. Mặc dù việc xét chọn còn khó khăn ở cấp cơ sở nhưng đã có hàng ngàn điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên được Nhà nước công nhận danh hiệu cao quý “Thầy thuốc ưu tú”.

Bên cạnh những dấu ấn về vận động chính sách phát triển nghề Điều dưỡng như đã nêu trên. Còn nhiều chính sách khác Hội Điều dưỡng Việt Nam đã tham mưu và tư vấn phản biện với Bộ Y tế và Nhà nước như:

  • Vận động phụ cấp trách nhiệm Điều dưỡng trưởng khoa tương đương phó khoa, Phó phòng
  • Vận động ban hành Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của Điều dưỡng viên Việt Nam
  • Vận động ban hành Chuẩn năng lực cơ bản Điều dưỡng Việt Nam
  • Vận động giữ màu áo Blue trắng cho điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên
  • Vận động đào tạo chuyên khoa I cho ĐD, HS có bằng thạc sĩ YTCC và QLBV để đủ điều kiện thăng hạng viên chức hạng II theo TTLT số 26/TTLT-BYT-BNV về tiêu chuẩn chức danh điều dưỡng, hộ sinh
  • Vận động ban hành Kế hoạch quốc gia tăng cường dịch vụ điều dưỡng hộ sinh đến 2020.

2.6. Đặt nền móng lĩnh vực nghiên cứu điều dưỡng

(1) Bối cảnh

Trước 2000, Nghiên cứu điều dưỡng được đa số cho là “xa xỉ”. Thời điểm đó, 85% nhân lực điều dưỡng trình độ trung cấp, 10% sơ cấp, mới có khoảng <5% cao đẳng và một số có trình độ đại học.

Hội ĐDVN cần khẳng định “Điều dưỡng là khoa học chăm sóc con người và là một nghề chuyên nghiệp”. Nghiên cứu là chìa khóa để vào khoa học, tạo kiến thức mới và phát riển nghề nghiệp. Vì vậy,  Hội đã thực hiện hàng loạt các can thiệp đặt nền móng cho lĩnh vực nghiên cứu điều dưỡng phát triển.

(2) Hội Điều dưỡng Việt Nam tổ chức tiên phong phát triển nghiên cứu điều dưỡng

1993: khởi xướng xuất bản Thông tin Điều dưỡng và được Bộ Văn hóa – Thông tin đồng ý tại Quyết định số 745/BC-GPXB ngày 15 tháng 6 năm 1993. Ths. Phạm Đức Mục là Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập là ông Nguyễn Hải Ninh.

2000: Xuất bản sách Nghiên cứu điều dưỡng đầu tiên do Hội tổ chức biên soạn do ThS. Phạm Đức Mục chủ biên và tài liệu được sử dụng toàn quốc để dạy học về Phương pháp nghiên cứu điều dưỡng. Nhà xuất bản Y học và Nhà xuất bản Giao thông vận tải đã tái bản lần nhất năm 2005, lần 2 năm 2007

2001: Tổ chức khóa học Nghiên cứu điều dưỡng đầu tiên tại bệnh viện Nhi Trung ương, sau đó các khóa học Nghiên cứu điều dưỡng được tổ chức tại khu vực Hà Nội, Hồ Chí Minh và Huế. Một số khóa học ban đầu có sự hỗ trợ của Hội Điều dưỡng Canada. Sau này, các Hội thành viên ở các tỉnh thành và các chi hội tự tổ chức có sự hỗ trợ chuyên môn của Trung ương hội.

2002: Hội nghị Khoa học điều dưỡng toàn quốc lần thứ nhất vào năm 2002. Sau đó duy trì hai năm 1 lần. Hội nghị Khoa học Điều dưỡng toàn quốc lần thứ IX được tổ chức vào 2020 tại Hà Nội. Các Hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quốc có hàng ngàn hội viên tham gia và nhiều đề tài có giá trị được các báo cáo viên trong nước và quốc tế chia sẻ tại hội nghị.

2005: Vận động đưa môn học Nghiên cứu điều dưỡng vào chương trình đào tạo điều dưỡng chính quy. Các thành viên lãnh đạo của Hội tham gia là thành viên các Hội đồng Chương trình đào tạo Điều dưỡng như Phạm Đức Mục, Nguyễn Bích Lưu, Trần Thị Thuận đã vận động đưa Môn học Nhiên cứu điều dưỡng vào các Chương trình đào tạo cử nhân điều dưỡng.

2006: Vận động đưa Tiêu chí Nghiên cứu điều dưỡng vào Bộ tiêu chí kiểm tra Bệnh viện hàng năm để khuyến khích nghiên cứu điều dưỡng trong các bệnh viện

2012: Nâng cấp Thông tin điều dưỡng thành Tạp chí Điều dưỡng Việt Nam những năm đầu do Thạc sĩ Phạm Đức Mục làm Tổng biên tập và từ năm 2017, phân công Tiến sĩ Trần Quang Huy làm Tổng biên tập. Tạp chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo chí số 1004/GP – BTTTT, mã chuẩn Quốc tế: ISSN 2354-073, điểm khoa học 0,5 điểm

  1. NHỮNG VẤN ĐỀ BẤT CẬP VỀ CHÍNH SÁCH THÁCH THỨC CHẤT LƯỢNG CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH

Có thể khẳng định kết quả vận động chính sách của Hội Điều dưỡng Việt Nam đã đặt nền móng cho nghề điều dưỡng phát triển như ngày nay. Đồng thời, góp phần khẳng định nghề điều dưỡng trong ngành y tế và trong xã hội. Tuy nhiên, phía trước còn nhiều khó khăn bất cập Hội cần tiếp tục kiến nghị với Bộ Y tế và Nhà nước tháo gỡ để giúp cho ngành điều dưỡng hội nhập và phát triển.

3.1. Thiếu hướng dẫn của Bộ Y tế về thực hiện chỉ tiêu phát triển nhân lực điều dưỡng viên trong toàn bộ hệ thống y tế theo NQ số 20/NQ-TW

  • Nghị quyết số 20/NQ-TƯ ngày 25 tháng 10 năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt chỉ tiêu đến năm 2025 có 25 điều dưỡng/vạn dân và đến 2030 có 33 điều dưỡng/vạn dân. Quyết định số 2992/QĐ-BYT ngày 17/7/2015 kế hoạch nhân lực trong hệ thống khám chữa bệnh đề ra nhu cầu tăng 84 ngàn điều dưỡng vào năm 2020. Cho đến nay, vẫn là các chỉ tiêu trên giấy mà không có các Văn bản hướng dẫn thực hiện.
  • Tỷ số điêu dưỡng/vạn dân mới đạt 50% so với Nghị quyết số 20 NQ-TƯ đề ra. Thấp hơn Thái Lan 3 lần, Malaysia 4 lần và Nhật Bản 9 lần. Thiếu điều dưỡng viên trước hết NB thiệt thòi, chẳng những không được thừa hưởng chăm sóc tốt nhất của điều dưỡng mà còn tăng nguy cơ sai sót và nhiễm khuẩn bệnh viện. Thiếu nhân lực làm điều dưỡng viên ở nhiều các khoa trọng điểm của bệnh viện phải làm việc trong tình trạng quá tải, trực ca kíp kéo dài 24/24. Khuyến cáo quốc tế 1 điều dưỡng viên phụ trách <7 người bệnh/ca.Tuy nhiên, tình trạng 1 điều dưỡng viên phụ trách 10-15 người bệnh/ca làm việc khá phổ biến trong các bệnh viện.
  • Trong khi bệnh viện không tuyển thêm điều dưỡng hàng năm có tới 250-300 ngàn điều dưỡng viên mới ra trường, đa số không có việc làm. Nguyên nhân sâu xa là giá dịch vụ chăm sóc người bệnh chưa được kết cấu thích hợp vào chi phí giường bệnh dẫn đến bệnh viện không tuyển thêm điều dưỡng vì không có đủ lương để trả. Kinh nghiệm các nước trên thế giới, giá dịch vụ giường bệnh chủ yếu chi trả cho công chăm sóc của điều dưỡng.

3.2. Thiếu hướng dẫn Bộ Y tế về phạm vi hoạt động chuyên môn của điều dưỡng

  • Ngành y tế Việt Nam hiện đang có 5 cấp điều dưỡng theo trình độ đào tạo (trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ/CK1 và tiến sĩ). Hiện nay, các cấp điều dưỡng đang hành nghề chưa có sự phân biệt rõ phạm vi chuyên môn. Trung cấp thực hành chuyên môn trên tải trong khi sau đại học hoạt động chuyên môn dưới tải, chưa có điều kiện phát huy năng lực chuyên môn theo trình độ đào tạo.
  • Phạm vi hoạt động chuyên môn của ĐD, HS và KTV hiện nay được áp dụng theo TTLT số 26/2015/TTLT-BNV-BYT quy định mã số, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp viên chức. Mục đích chính của TTLT số 26/2015/TTLT-BYT-BNV quy định các hạng viên chức điều dưỡng, tiêu chuẩn xét thăng hạng gắn với thang bảng lương áp dụng cho cơ sở y tế công lập. Do đó, sử dụng Thông tư này để xác định Phạm vi hoạt động chuyên môn sẽ không tương thích và có nhiều bất cập.
  • Các chương trình đào tạo cao học điều dưỡng chưa có căn cứ pháp lý đầy đủ về Phạm vi hoạt động chuyên môn của thạc sỹ/CK1, tiến sĩ điều dưỡng làm căn cứ để xác định chuẩn năng lực đầu ra cho người học. Bên cạnh đó, các văn bản pháp lý của Bộ Y tế chưa có khái niệm về thực hành điều dưỡng nâng cao như thông lệ của các nước ASEAN.
  • Hội Điều dưỡng Việt Nam kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Phạm vi hoạt động chuyên môn cho điều dưỡng để khắc phục những bất cập nêu trên.

3.3. Duy trì, củng cố và phát triển hệ thống Quản lý điều dưỡng theo hướng hội nhập

  • Trải qua 30 năm đúc rút kinh nghiệm từ 1990 đến nay, ngành Y tế đã xây dựng hệ thống quản lý điều dưỡng từ Bộ Y tế đến Sở Y tế và các bệnh viện. Hệ thống Quản lý điều dưỡng đang phát huy hiệu quả và tiếp cận hội nhập quốc tế. Một số bệnh viện đã bổ nhiệm Trưởng phòng Điều dưỡng là Phó Giám đốc bệnh viện. Một số Bệnh viện tư nhân đã bổ nhiệm chức vụ Giám đốc điều dưỡng như Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Tâm Anh, Bệnh viện Quốc tế Sài Gòn..
  • Theo Thông tư số 07/2011/TT-BYT, hệ thống Quản lý điều dưỡng trong các bệnh viện bao gồm: Hội đồng điều dưỡng, Phòng Điều dưỡng. Các bệnh viện có quy mô nhỏ <100 giường bệnh có Tổ Điều dưỡng trưởng. Hiện nay, Trưởng phó phòng điều dưỡng bệnh viện 100% có trình độ đại học, thạc sĩ và một số có trình độ tiến sĩ. Điều dưỡng trưởng khoa có trình độ cao đẳng và đại học.
  • Chủ trương tinh gọn bộ máy là đúng nhưng việc sáp nhập Phòng Điều dưỡng bệnh viện vào các Phòng ban khác thiếu định hướng thống nhất như hiện nay cần xem xét một cách thận trọng và kỹ lưỡng. Chúng ta thường nói 50-60% công việc bệnh viện là do điều dưỡng thực hiện. Trên thế giới cứ ở đâu có bệnh viện là ở đó có hệ thống quản lý điều dưỡng.
  • Trong trường, hợp ở một số bệnh viện tuyến huyện có quy mô giường bệnh nhỏ cần sáp nhập, Hội Điều dưỡng Việt Nam đề nghị Bộ Y tế cần có Văn bản hướng dẫn để tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu thiếu sự thống nhất sẽ rất khó khắc phục sau này.
  • 3.4. Cần đưa giá dịch vụ chăm sóc người bệnh trong chi phí giường bệnh
  • Hiện nay, các chi phí khám chữa bệnh được Bảo hiểm y tế thanh toán chủ yếu là dịch vụ kỹ thuật do các bác sĩ thực hiện trực tiếp trên người bệnh. Các dịch vụ chuyên môn kỹ thuật của điều dưỡng chưa được đưa đầy đủ vào danh mục Bảo hiểm y tế thanh toán. Đặc biệt, công tác chăm sóc vất vả của Điều Dưỡng – hộ sinh chưa được kết cấu phù hợp vào danh mục giá dịch vụ khám chữa bệnh. Các nước trên thế giới chi phí ngày giường chủ yếu trả cho dịch vụ chăm sóc người bệnh của điều dưỡng.
  • Trong xu thế bệnh viện tự chủ, nhóm cán bộ y tế tạo được nguồn thu cho bệnh viện được đánh giá cao, dịch vụ do điều dưỡng cung cấp không tạo được nguồn thu dẫn đến dịch vụ chăm sóc người bệnh bị coi nhẹ. Thậm chí bị xem là lao động ăn theo bác sĩ!. Bất cập về chính sách liên quan chi trả Bảo hiểm y tế hiện nay, vừa thiệt thòi vừa chưa công bằng với người lao động là điều dưỡng viên với gần 85% là lao động nữ.
  • Đứng trước bối cảnh nhu cầu săn sóc của người bệnh ngày càng gia tăng, Việt Nam trở thành 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Châu Á. Hàng chục năm nay nhiều bệnh viện thành phố người bệnh phải thuê người chăm sóc trong các bệnh viện. Xu hướng quốc tế đang cân bằng giữa Chữa bệnh và Chăm sóc. Các nước phát triển đang đứng trước tình trạng khủng hoảng thiếu nghiêm trọng nhân lực điều dưỡng chuyên nghiệp. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo dịch vụ chăm sóc người bệnh do điều dưỡng, hộ sinh cung cấp là một trụ cột của hệ thống y tế. Một hệ thống dịch vụ y tế có chất lượng không thể chỉ dựa vào dịch vụ khám chữa bệnh do thầy thuốc cung cấp.
  • Hiện nay, đã có một số bệnh viện công lập tiên phong triển khai chăm sóc người bệnh toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai nơi hầu hết người bệnh đều mắc bệnh nặng cần hỗ trợ chăm sóc. Bệnh viện buộc phải tuyển thêm điều dưỡng viên để cung cấp dịch vụ chăm sóc người bệnh chất lượng hơn, an toàn hơn và chuyên nghiệp hơn. Xuất hiện vấn đề bệnh viện lấy nguồn kinh phí nào để chi trả lượng cho điều dưỡng viên nếu chính sách Bảo hiểm Y tế chưa kịp thay đổi.
  • Hội Điều dưỡng Việt Nam kiến nghị bổ sung hợp lý công chăm sóc của điều dưỡng, hộ sinh vào ngày giường nội trú để dịch vụ Điều dưỡng đúng với giá trị thiết yếu của nó trong khám chữa bệnh và người bệnh được thừa hưởng chăm sóc tốt nhất của điều dưỡng viên./.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thông báo số 3 về việc đăng ký đề tài báo cáo tại hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quốc lần thứ IX
Thông báo số 3 về việc đăng ký đề tài báo cáo tại hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quốc lần thứ IX

11-10-2020

Văn phòng Hội Điều dưỡng Việt Nam xin gửi đến quý thầy/cô, anh/chị Thông báo số 3 về việc đăng ký đề tài báo cáo tại Hội nghị khoa học Điều dưỡng...

Thông báo số 5 về tổ chức hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quốc lần thứ IX và lễ kỷ niệm 30 năm thành lập hội điều dưỡng Việt Nam
Thông báo số 5 về tổ chức hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quốc lần thứ IX và lễ kỷ niệm 30 năm thành lập hội điều dưỡng Việt Nam

18-11-2020

Kính gửi quý độc giả Năm 2020, Hội Điều dưỡng Việt Nam sẽ phối hợp với Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định và Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt...

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: đổi mới để khẳng định vị thế của nghề điều dưỡng trong xã hội
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: đổi mới để khẳng định vị thế của nghề điều dưỡng trong xã hội

20-12-2020

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Hội Điều dưỡng Việt Nam vào sự phát triển của y học Việt Nam, xong Thứ...

Thông báo số 1 về việc đăng ký đề tài báo cáo tại Hội nghị khoa học Điều dưỡng toàn quốc lần thứ X
Thông báo số 1 về việc đăng ký đề tài báo cáo tại Hội nghị khoa học Điều dưỡng toàn quốc lần thứ X

06-05-2024

Hội Điều dưỡng Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị khoa học Điều dưỡng toàn quốc lần thứ X vào tháng 10 năm 2022, Văn phòng xin gửi đến Quý thầy/cô,...

Hội điều dưỡng Việt Nam – ba mươi năm đóng góp xây dựng và phát triển chuyên ngành điều dưỡng
Hội điều dưỡng Việt Nam – ba mươi năm đóng góp xây dựng và phát triển chuyên ngành điều dưỡng

11-02-2021

Hội Điều dưỡng Việt Nam – Ba mươi năm đóng góp xây dựng và phát triển chuyên ngành điều dưỡng ThS Phạm Đức Mục – Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt...