Mỗi điều dưỡng là một chiến binh

Thứ Hai, 06/05/2024 - 14:11

Dịch vụ điều dưỡng, hộ sinh cung cấp được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là một trong bốn trụ cột của hệ thống dịch vụ y tế. Tại lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5/2020, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh từng nhấn mạnh: “Thời điểm hiện tại, Việt Nam là 1 trong 5 nước trên thế giới sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Người điều dưỡng, hộ sinh đã có những đóng góp rất lớn trong thành công này”.

Chăm sóc tỉ mỉ cho bệnh nhân

Ngày 12/5 hàng năm là Ngày Quốc tế Điều dưỡng. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã thống nhất và phối hợp với Hội đồng Điều dưỡng Thế giới chỉ định năm 2020 -2021 là năm quốc tế điều dưỡng, hộ sinh để tôn vinh những đóng góp quan trọng của đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh trong cung cấp các dịch vụ y tế. Đồng thời, khẳng định vai trò của điều dưỡng, hộ sinh trong chăm sóc sức khoẻ người dân, nhất là trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.

Kinh nghiệm chỉ ra rằng, các kỹ thuật điều trị của bác sĩ tạo nên uy tín của bệnh viện và dịch vụ chăm sóc của điều dưỡng lại ảnh hưởng nhiều tới sự hài lòng của người bệnh. Vai trò của điều dưỡng thể hiện qua việc chăm sóc sức khỏe của người bệnh trong y tế. Nếu bác sĩ phải biết người bệnh đó uống thuốc gì, liều lượng ra sao thì người điều dưỡng lại cần phải biết tại sao người bệnh phải uống thuốc đó, uống vào thời gian nào, có phản ứng phụ sau uống thuốc không? Họ là người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, lắng nghe những vấn đề, nhu cầu của người bệnh để từ đó lên kế hoạch chăm sóc hiệu quả nhất, giúp người bệnh mau chóng hồi phục. Những việc làm tinh tế như chuẩn bị một chiếc khăn ấm cho người bệnh để lau gel sau siêu âm trong tiết trời lạnh giá, cử chỉ tuy nhỏ của điều dưỡng nhưng lại chạm đến trái tim và làm ấm lòng người bệnh. Với kiến thức họ được cung cấp trong quá trình học tập cùng với kinh nghiệm thực tế, người điều dưỡng sẽ tư vấn cho người nhà cách chăm sóc người bệnh như thế nào tốt nhất, cách giúp người bệnh như thế nào để có thể nhanh chóng hồi phục sức khỏe như: ăn gì, uống gì, luyện tập ra sao,…

Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ coi “chống dịch như chống giặc”, cùng với đồng nghiệp ngành y tế cả nước, hàng ngàn điều dưỡng Việt Nam đã can đảm và chuyên nghiệp đối phó với dịch bệnh nguy hiểm. Đại dịch COVID-19 giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn về sự đóng góp của điều dưỡng-hộ sinh với vai trò là những chiến sĩ tuyến đầu. Họ đã vượt lên những nguy cơ của dịch bệnh, dấn thân vào nơi nguy hiểm, phối hợp với các thầy thuốc, thực hiện hàng loạt các hoạt động như: sàng lọc, tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, theo dõi, chăm sóc và là chỗ dựa tinh thần cho người bệnh COVID-19.

Sự thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam là thành tựu chung của toàn bộ hệ thống chính trị, của ngành y tế Việt Nam; trong đó, không thể không nói tới sự đóng góp to lớn và thầm lặng của người điều dưỡng-hộ sinh. Họ là chất gắn kết người bệnh với hệ thống y tế và cũng là đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm rất cao trong quá trình chăm sóc phục vụ người bệnh nghi nhiễm COVID-19. Những ca bệnh nặng, tưởng chừng như không thể qua khỏi lưỡi hái tử thần nhưng nhờ sự tận tụy, ân cần chăm sóc của người điều dưỡng ngày đêm mà người bệnh đã chiến thắng.

Nhiều điều dưỡng đã cùng với các bác sĩ và nhân viên y tế tuyến đầu không có ngày nghỉ, họ phải xa gia đình, xa con nhỏ, liên tục, miệt mài tham gia phòng chống dịch bệnh. Các ca trực đôi khi kéo dài suốt 24 giờ, hết giờ làm việc mọi người được trở về nhà thì họ vẫn phải ở lại bệnh viện hoặc khu cách ly riêng. Có thể nói đây là một quá trình dấn thân của các cán bộ y tế trong đó có người điều dưỡng. Mỗi người, mỗi công việc đều có giá trị riêng. Giá trị nghề điều dưỡng là theo sát, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người bệnh bằng tất cả sự tận tâm của mình.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn cầu cũng như trong nước, người điều dưỡng tiếp tục vẫn là những người tiếp sức đầu tiên và cuối cùng trong chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Với sự nỗ lực, quyết tâm của những người điều dưỡng chắc chắn sẽ góp phần cùng với các nhân viên y tế khác và các lực lượng bộ đội, công an đẩy lùi đại dịch đem đến bình yên cho đất nước.

ĐDCKI. Phan Cảnh Chương

(Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh, Trưởng phòng Điều dưỡng – Bệnh viện TW Huế)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hội nghị khoa điều dưỡng toàn quân 2017 – Cục Quân Y
Hội nghị khoa điều dưỡng toàn quân 2017 – Cục Quân Y

06-05-2024

Hòa trong không khí sôi nổi chuẩn bị cho Hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quốc năm 2017, Cục Quân Y – Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị...

LỜI CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2020 CỦA HỘI ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM
LỜI CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2020 CỦA HỘI ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM

06-05-2024

LỜI CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2020 CỦA HỘI ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM Kính gửi các thầy cô Ban Cố vấn, các thành viên Ban Lãnh đạo hội, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành...

Công văn của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư về việc sử dụng tên nghề điều dưỡng trong hệ thống phần mềm kê khai thông tin làm thẻ Căn cước công dân gắn chíp
Công văn của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư về việc sử dụng tên nghề điều dưỡng trong hệ thống phần mềm kê khai thông tin làm thẻ Căn cước công dân gắn chíp

06-05-2024

Ngày 16/4/2021 Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam đã có công văn số 12/HĐD gửi Bộ Công An và Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư về việc đề nghị sử...

Vui buồn cùng bệnh nhân, quên đi nhọc nhằn nơi tuyến đầu chống dịch
Vui buồn cùng bệnh nhân, quên đi nhọc nhằn nơi tuyến đầu chống dịch

06-05-2024

Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), nơi điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 với đủ mọi lứa tuổi; các bác sĩ, điều dưỡng ngày ngày vui buồn...