Hội Điều dưỡng Việt Nam – Ba mươi năm đóng góp xây dựng và phát triển chuyên ngành điều dưỡng
ThS Phạm Đức Mục – Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam
- Những thành tựu nổi bật
1.1 Phát triển mạng lưới trên phạm vi toàn quốc
- Có 61/63 hội thành viên do Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ra quyết định thành lập và có pháp nhật hoạt động đầy đủ.
- Có >800 chi hội do các hội thành viên quyết định thành lập theo Điều lệ của hội thành viên.
- Có 01 hội ngành, 3 chi hội chuyên khoa TƯ và 8 Chi hội trực thuộc TƯ hội.
- Có 1 Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ điều dưỡng hỗ trợ cộng đồng được Bộ Y tế thẩm định và công nhận đủ điều kiện cung cấp hoạt động đào tạo liên tục trong ngành y tế.
- Có >120 ngàn hội viên là Điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên trong cả nước.
Tổ chức Hội ĐDVN được cấu trúc thành 3 cấp: TƯ hội, Tỉnh/Thành hội và Chi hội. Mạng lưới vừa phát triển phủ sóng toàn quốc vừa được tổ chức khá chặt chẽ từ TƯ hội đến các tỉnh thành hội và các chi hội ở các bệnh viện và các trường khối ngành sức khỏe.
Hội ĐDVN được các cơ quan quản lý và Tổng hội Y học Việt Nam đánh giá là một trong các hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả ở cả ba cấp hội.
1.2 Xây dựng và phát triển Văn phòng TƯ hội
Hội hoạt động trên nguyên tắc tự quản, tự chịu trách nhiệm, tự lo liệu kinh phí hoạt động nên gặp rất nhiều trở ngại trong những năm đầu mới thành lập. Không cán bộ chuyên trách, Không trụ sở, Không phương tiện, Không kinh phí.
Đến nay, đã có trụ sở Văn phòng TƯ hội tại Cung trí thức Thành phố, đã có phương tiện văn phòng đầy đủ, đã có 2 cán bộ chuyên trách do hội tự lo liệu kinh phí trả lương như viên chức nhà nước (01 thư ký và 01 kế toán) và đã tự đảm bảo được kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên.
Một số các hội thành viên cấp tỉnh/thành cũng đã có trụ sở Văn phòng tại Sở Y tế hoặc liên hiệp các hội khoa học tỉnh.
Sự phát triển của Hội đến thời điểm này có thể nói đảm bảo được sự bền vững theo nguyên tắc: Tự nguyện, Tự quản, Tự chịu trách nhiệm và Tự trang trải kinh phí hoạt động.
1.3 Kết quả vận động chính sách phát triển nghề nghiệp
Tầm nhìn của Hội ĐDVN là: “Phấn đấu trở thành tổ chức chuyên nghiệp vận động chính sách phát triển nghề nghiệp và nâng cao năng lực hội viên”.
Trong suốt 30 năm, Hội kiên trì vận động thành công nhiều chính sách nghề nghiệp quan trọng. Đồng thời, xúc tác cho tiến trình đổi mới Nghề Điều dưỡng ở Việt Nam.
Hội đã chủ động phối hợp với các Vụ-Cục của BYT vừa thực hiện chức năng tư vấn – phản biện, vừa phối hợp xây dựng và vận động thành công các chính sách dưới đây:
- Vận động thành lập Phòng Y tá bệnh viện (1990)
- Vận động thành lập Phòng Y tá Vụ Quản lý sức khỏe Bộ Y tế (1993)
- Vận động đổi tên Hội Y tá thành Hội Điều dưỡng (1997)
- Vận động đổi tên Nghề Y tá thành Nghề Điều dưỡng (1995 – 2005)
- Vận động bổ nhiệm Điều dưỡng trưởng Sở Y tế (1999)
- Vận động bổ sung Bảng lương ĐD cao đẳng (2005)
- Vận động danh hiệu Thầy thuốc ưu tú cho ĐD, HS và KTV (2007).
- Vận động ban hành Chuẩn năng lực Điều dưỡng Việt Nam (2012).
- Vận động ban hành Chuẩn đạo đức nghề nghiệp ĐDV Việt Nam (2012)
- Vận động giữ màu áo trắng Blouse cho ĐD, HS và KTV
- Vận động đào tạo chuyển đổi ĐDCK1 cho Thạc sĩ YTCC, thạc sĩ QLBV là CN điều dưỡng để đủ điều kiện thi thăng hạng viên chức hạng II.
1.4 Đổi mới nhận thức nghề điều dưỡng và khởi xướng nghiên cứu điều dưỡng
Trước đây, Nghiên cứu điều dưỡng được cho là “xa xỉ” với điều dưỡng Việt Nam. Một số cho rằng: “Chỉ có nghiên cứu y học – không có nghiên cứu điều dưỡng”. Hội ĐDVN xin được trình bày nhận thức của hội như sau:
Y học là nghệ thuật chữa bệnh – Điều dưỡng là nghệ thuật chăm sóc người ốm. Bác sĩ khám chẩn đoán và chữa bệnh. Điều dưỡng khám, xác định nhu cầu và chăm sóc hỗ trợ người bệnh. Điều đưỡng không phải là nghề trợ giúp bác sĩ mà là nghề trợ giúp người bệnh. Thiên chức nghề điều dưỡng là chăm sóc người bệnh. Công việc của điều dưỡng có phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với thực hiện chỉ định bác sĩ.
Bác sĩ và điều dưỡng là hai nghề khác nhau về mục tiêu đào tạo và sử dụng. Tuy cả hai đều cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên cùng người bệnh nhưng chức năng khác nhau. Cũng giống như Quân đội và Công an đều chung mục tiêu bảo vệ đất nước nhưng chức năng của mỗi lực lượng khác nhau.
Hiện nay, nước ta đã đào tạo điều dưỡng đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Chúng ta cần đổi mới nhận thức nghề điều dưỡng làm cơ sở cho việc đổi mới đào tạo, mở rộng phạm vi thực hành và đổi mới chính sách nhằm phát huy tiềm năng to lớn của đội ngũ điều dưỡng và người bệnh được thụ hưởng chăm sóc tốt nhất của điều dưỡng.
Cùng với xu thế phát triển y học, chuyên ngành điều dưỡng ngày nay đã trở thành một ngành học đa khoa có nhiều chuyên khoa. Điều dưỡng không những cần được đào tạo chuyên khoa và mà còn chuyên sâu để phối hợp hiệu quả với công tác điều trị và đáp ứng nhu cầu chăm sóc ngày càng cao của người bệnh.
Xuất phát từ quan điểm và nhận thức nêu trên, Hội ĐDVN đã chủ động khởi xướng lĩnh vực nghên cứu điều dưỡng bằng những hoạt động cụ thể dưới đây:
- 1993: Xin phép xuất bản Thông tin Điều dưỡng VN. Bộ Văn hóa – Thông tin đã đồng ý cấp phép xuất bản tại Quyết định số 745/BC-GPXB ngày 15 tháng 6 năm 1993. Ths. Phạm Đức Mục là Tổng thư ký hội kiêm Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập là ông Nguyễn Hải Ninh.
- 2000: Tổ chức biên soạn cuốn sách Nghiên cứu điều dưỡng do ThS. Phạm Đức Mục chủ biên làm tài liệu đào tạo chính trong các khóa học về Phương pháp nghiên cứu điều dưỡng. Nhà xuất bản Y học và Nhà xuất bản Giao thông vận tải đã tái bản lần nhất năm 2005, lần 2 năm 2007 và lần 3 vào 2012.
- 2001: Tổ chức các khóa học ngắn hạn về Nghiên cứu điều dưỡng tại bệnh viện Nhi Trung ương, sau đó tổ chức tại khu vực Hà Nội, Hồ Chí Minh và Huế. Một số lớp học ban đầu có sự hỗ trợ của Hội Điều dưỡng Canada. Sau này, các Hội thành viên ở các tỉnh thành và các chi hội tự tổ chức có sự hỗ trợ chuyên môn của Trung ương hội.
- 2002: Tổ chức hội nghị Khoa học điều dưỡng toàn quốc lần thứ nhất vào năm 2002. Sau đó duy trì hai năm 1 lần. Hội nghị Khoa học Điều dưỡng toàn quốc lần thứ IX được tổ chức vào 2020 tại Hà Nội. Các Hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quốc có hàng ngàn hội viên tham gia và nhiều đề tài có giá trị được báo cáo tại hội nghị.
- 2005: Vận động đưa môn học Nghiên cứu điều dưỡng vào chương trình đào tạo điều dưỡng chính quy. Các thành viên lãnh đạo Hội là thành viên các Hội đồng Chương trình đào tạo Điều dưỡng như Phạm Đức Mục, Nguyễn Bích Lưu, Trần Thị Thuận đã vận động đưa Môn học Nghiên cứu điều dưỡng vào các Chương trình đào tạo cử nhân điều dưỡng.
- 2006: Vận động đưa Tiêu chí Nghiên cứu điều dưỡng vào Bộ tiêu chí kiểm tra Bệnh viện hàng năm để khuyến khích nghiên cứu điều dưỡng trong các bệnh viện
- 2012: Nâng cấp Thông tin điều dưỡng thành Tạp chí Điều dưỡng Việt Nam. Những năm đầu Thạc sĩ Phạm Đức Mục là Tổng biên tập và từ năm 2017, Tiến sĩ Trần Quang Huy là Tổng biên tập. Tạp chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo chí số 1004/GP – BTTTT, mã chuẩn Quốc tế: ISSN 2354-073, điểm khoa học 0,5 điểm. Tạp chí Điều dưỡng Việt Nam là tạp chí khoa học đầu tiên của chuyên ngành điều dưỡng. Hiện nay, Tạp chí ĐDVN cùng với Tạp chí khoa học điều dưỡng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đang là hai Tạp chí khoa học chuyên ngành điều dưỡng đăng tải các đề tài khoa học, luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ điều dưỡng.
1.5 Đóng góp phát triển hệ thống đào tạo và nâng cao năng lực hội viên
- Trong những năm qua, các thành viên lãnh đạo hội ĐD đã tham gia tích cực trong các Hội đồng đổi mới Chương trình đào tạo điều dưỡng của Bộ GDĐT, BYT, Bộ LĐTBXH. ThS Phạm Đức Mục, Ths Trần Thị Thuận, ThS. Nguyễn Bích Lưu đã thành công trong việc vận động đưa thêm Môn học về quản lý điều dưỡng, Môn học kiểm soát nhiễm khuẩn-an toàn người bệnh và Môn học Nghiên cứu điều dưỡng vào trong các Chương trình đào tạo điều dưỡng chính quy.
- Nhiều lãnh đạo hội ở TƯ và tỉnh thành đã tham gia xây dựng chương trình và tài liệu đào tạo ĐDV mới của BYT như ThS Nguyễn Bích Lưu, ThS Nguyễn Việt Nga, ThS Phạm Thu Hà, DU.Tô Thị Điền, ĐDCK1. Phan Cảnh Chương, ThS Huỳnh Tú Anh, TS. Nguyễn Thị Như Tú…
- Phối hợp với Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế – Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đào tạo các khóa học về Quản lý và lãnh đạo Điều dưỡng
- TƯ hội và các hội thành viên đã tổ chức hàng trăm khóa học ngắn hạn như: Tiêm an toàn, an toàn người bệnh, chăm sóc người bệnh toàn diện, Kỹ năng giao tiếp, Đổi mới phong cách thái độ…Đã có hàng vạn lượt ĐDV, HSV và KTV có cơ hội tham gia các khóa đào tạo liên tục do TƯ hội và các hội thành viên tổ chức.
- Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ điều dưỡng hỗ trợ cộng đồng – Hội ĐDVN đã được BYT thẩm định công nhận đủ điều kiện đào tạo liên tục ngành y tế. Trung tâm đã tổ chức biên soạn nhiều Chương trình và Tài liệu đào tạo liên tục do BYT phê duyệt và trở thành tài liệu quốc gia. Trung tâm đã có đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm ở các vùng miền và tổ chức đào tạo các khóa học về: Quản lý điều dưỡng; Phòng ngừa chuẩn; Kiểm soát nhiễm khuẩn; Phòng và chăm sóc cho người nhiễm HIV/AIDS; Tư vấn – giáo dục sức khỏe; Chăm sóc Da và giấc ngủ trẻ sơ sinh. Các khóa đào tạo do Trung tâm tổ chức được quản lý chặt chẽ, đảm bảo chất lượng dạy – học. Cấp chứng chỉ đào tạo liên tục theo đúng quy định của BYT. Càng ngày càng có thêm học viên đăng ký học tập tại Trung tâm.
1.6 Hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế
- Hội ĐDVN và các hội thành viên đã tranh thủ được sự hợp tác của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ chuyên gia kỹ thuật và hỗ trợ tài chính để tổ chức các hội nghị khoa học và các khóa đào tạo nâng cao năng lực quản lý, đào tạo cho hội viên như:
- Hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức sự kiện kỷ niệm Ngày Điều dưỡng quốc tế và Hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quốc lần thứ IX.
- Trung tâm tư vấn và dịch vụ điều dưỡng hỗ trợ cộng đồng hợp tác với Chương trình DoD PEPFAR và Cục Quân y Bộ quốc phòng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật về Phòng và chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV, KSNK, tăng cường năng lực điều dưỡng trong quân đội và mở rộng tới một số cơ sở y tế dân y khu vực Hà Nội và TpHCM. Các hoạt động hợp tác được Cục Quân Y và đối tác DOD-PEPAR đánh giá cao tính hiệu quả và tính bền vững.
- Hợp tác với Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế tổ chức đào tạo Quản lý và lãnh đạo ĐD theo chương trình của Hội đồng ĐD quốc tế.
- Hợp tác với Cơ quan phát triển quốc tế của Nhật Bản triển khai Chương trình đào tạo ĐDV mới do Bộ Y tế chủ trì.
- Chi hội giáo viên hợp tác với Đại học QUT-Úc triển khai thí điểm đổi mới Chương trình đào tạo ĐD dựa vào năng lực và hiện đang được BYT chỉ đạo triển khai mở rộng.
- Trong các diễn đàn điều dưỡng khu vực và quốc tế ĐDVN đã có những đóng góp và tiếng nói quan trọng, có đại diện tham gia là thành viên Hội đồng tư vấn Điều dưỡng – Hộ sinh toàn cầu, tham gia chủ trì các Hội nghị Điều dưỡng của khu vực ASEAN.
1.7 Giáo dục truyền thống y đức – y nghiệp cho hội viên
Thực hiện khoản 2 Điều 42 Luật phòng chống tham nhũng số 55/2005/QH: Tổ chức xã hội – nghề nghiệp phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với hội viên. Hội ĐDVN đã phối hợp với BYT ban hành Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của ĐDV vào năm 2012 gồm 8 chuẩn. Chuẩn đạo đức ĐDVN đã được sử dụng trong các trường để dạy học sinh viên áp dụng. Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo và phối hợp với Hội Điều dưỡng VN phát động phong trào thi đua thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng viên do Hội Điều dưỡng VN ban hành và đã tạo chuyển biến rõ rệt về y đức, y nghiệp của hội viên.
Trong những năm gần đây, Hội ĐDVN phối hợp với các cấp quản lý ngành tổ chức ngày Điều dưỡng quốc tế 12/5 nhằm tôn vinh người điều dưỡng. Đặc biệt, năm 2020, năm quốc tế về điều dưỡng và hộ sinh toàn cầu. Hội Điều dưỡng đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tại VN tổ chức hội nghị truyền thông năm quốc tế về điều dưỡng- hộ sinh. Hội nghị đã đưa tới đại biểu và cộng đồng Ba thông điệp quan trọng của Thế giới khuyến khích các nhà quản lý cấp quốc gia: (1) Đầu tư đổi mới giáo dục điều dưỡng; (2) Duy trì nguồn nhân lực điều dưỡng – hộ sinh để duy trì một thế giới khỏe mạnh; (3) Tăng cường sự tham gia của điều dưỡng vào hoạch định chính sách y tế và chính sách phát triển chuyên ngành.
Để thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong các hội thành viên, khuyến khích hội viên yêu nghề, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, Hội ĐDVN đã ban hành quy chế xét tặng “Danh hiệu điều dưỡng viên tiêu biểu của Hội ĐDVN”. Năm 2020, hội đã tổ chức xét vinh danh cho 87 Điều dưỡng viên tiêu biểu là những Hội viên suất sắc có nhiều đóng góp trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Hội ĐDVN cũng đã ký Quy chế hợp tác với Công đoàn Y tế VN về việc phối hợp bảo vệ hội viên, tăng cường hợp tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp, đổi mới phong cách thái độ phục vụ của hội viên Hội ĐD và đoàn viên Công đoàn.
Hội thi “Điều dưỡng-hộ sinh giỏi, thanh lịch” do Hội ĐDVN khởi xướng đã trở thành Hội thi truyền thống vừa có sức thu hút lan tỏa vừa có khả năng duy trì trong các cơ sở KCB suốt từ năm 2005 đến nay.
Hội kết hợp với BYT và Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức hội thi lựa chọn trang phục y tế cho toàn ngành.
Những đóng góp của hội vào sự phát triển nghề điều dưỡng đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động Hạng 3. Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Bộ trưởng BYT tặng cờ thi đua đơn vị xuất sắc. Chủ tịch Tổng hội Y học VN tặng Bằng khen. Đặc biệt, hàng nghìn điều dưỡng – hộ sinh – kỹ thuật viên đã được Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành phố, liên hiệp các Hội khoa học tặng bằng khen về thành tích chăm sóc người bệnh và thành tích công tác hội.
2. Những vấn đề bất cập về chính sách lĩnh vực chăm sóc người bệnh
Có thể khẳng định kết quả vận động chính sách của Hội Điều dưỡng Việt Nam đã đặt nền móng cho nghề điều dưỡng phát triển như ngày nay. Đồng thời, góp phần khẳng định nghề điều dưỡng trong ngành y tế và trong xã hội. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn bất cập Hội kiến nghị với Bộ Y tế và Nhà nước tháo gỡ để giúp cho Ngành Điều dưỡng hội nhập và phát triển.
2.1.Thiếu hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu phát triển nhân lực điều dưỡng theo NQ số 20/NQ-TW và
- Nghị quyết số 20/NQ-TƯ ngày 25 tháng 10 năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt chỉ tiêu đến năm 2025 có 25 điều dưỡng/vạn dân và đến 2030 có 33 điều dưỡng/vạn dân. Quyết định số 2992/QĐ-BYT ngày 17/7/2015 kế hoạch nhân lực trong hệ thống khám chữa bệnh đề ra nhu cầu tăng 84 ngàn điều dưỡng vào năm 2020. Cho đến nay, vẫn là các chỉ tiêu trên giấy mà không có các Văn bản hướng dẫn thực hiện.
- Tỷ số điều dưỡng/vạn dân hiện nay mới đạt 50% so với Nghị quyết số 20 NQ-TƯ đề ra. Thấp hơn Thái Lan 3 lần, Malaysia 4 lần và Nhật Bản 9 lần. Thiếu điều dưỡng viên trước hết người bệnh thiệt thòi, chẳng những không được thừa hưởng chăm sóc tốt nhất của điều dưỡng mà còn tăng nguy cơ sai sót và nhiễm khuẩn bệnh viện. Thiếu nhân lực làm điều dưỡng viên ở nhiều các khoa trọng điểm của bệnh viện phải làm việc trong tình trạng quá tải, trực ca kíp kéo dài 24/24. Khuyến cáo quốc tế 1 điều dưỡng viên phụ trách <7 người bệnh/ca.Tuy nhiên, tình trạng 1 điều dưỡng viên phụ trách 10-15 người bệnh/ca làm việc khá phổ biến trong các bệnh viện.
- Trong khi bệnh viện không tuyển thêm điều dưỡng hàng năm có tới 250-300 ngàn điều dưỡng viên mới ra trường, đa số không có việc làm. Nguyên nhân sâu xa là giá dịch vụ chăm sóc người bệnh chưa được kết cấu thích hợp vào chi phí giường bệnh dẫn đến bệnh viện không tuyển thêm điều dưỡng vì không có đủ lương để trả. Kinh nghiệm các nước trên thế giới, giá dịch vụ giường bệnh chủ yếu chi trả cho công chăm sóc của điều dưỡng
- 2.2. Thiếu hướng dẫn Bộ Y tế về phạm vi hoạt động chuyên môn của điều dưỡng
- Ngành y tế Việt Nam hiện đang có 5 cấp điều dưỡng theo trình độ đào tạo (trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ/CK1 và tiến sĩ). Hiện nay, các cấp điều dưỡng đang hành nghề chưa có sự phân biệt rõ phạm vi chuyên môn. Trung cấp thực hành chuyên môn trên tải trong khi sau đại học hoạt động chuyên môn dưới tải, chưa có điều kiện phát huy năng lực chuyên môn theo trình độ đào tạo.
- Phạm vi hoạt động chuyên môn của ĐD, HS và KTV hiện nay được áp dụng theo TTLT số 26/2015/TTLT-BNV-BYT quy định mã số, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp viên chức. Mục đích chính của TTLT số 26/2015/TTLT-BYT-BNV quy định các hạng viên chức điều dưỡng, tiêu chuẩn xét thăng hạng gắn với thang bảng lương áp dụng cho cơ sở y tế công lập. Do đó, sử dụng Thông tư này để xác định Phạm vi hoạt động chuyên môn sẽ không tương thích và có nhiều bất cập.
- Các chương trình đào tạo cao học điều dưỡng chưa có căn cứ pháp lý đầy đủ về Phạm vi hoạt động chuyên môn của thạc sỹ/CK1, tiến sĩ điều dưỡng làm căn cứ để xác định chuẩn năng lực đầu ra cho người học. Bên cạnh đó, các văn bản pháp lý của Bộ Y tế chưa có khái niệm về thực hành điều dưỡng nâng cao như thông lệ của các nước ASEAN.
- Hội Điều dưỡng Việt Nam kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Phạm vi hoạt động chuyên môn cho điều dưỡng để khắc phục những bất cập nêu trên.
2.3. Duy trì và phát triển hệ thống Quản lý điều dưỡng theo hướng hội nhập
- Trải qua 30 năm đúc rút kinh nghiệm từ 1990 đến nay, ngành Y tế đã xây dựng được hệ thống quản lý điều dưỡng từ Bộ Y tế đến Sở Y tế và các bệnh viện. Hệ thống Quản lý điều dưỡng đang phát huy hiệu quả và tiếp cận hội nhập quốc tế. Một số bệnh viện đã bổ nhiệm Trưởng phòng Điều dưỡng là Phó Giám đốc bệnh viện. Một số Bệnh viện tư nhân đã bổ nhiệm chức vụ Giám đốc điều dưỡng như Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Tâm Anh, Bệnh viện Quốc tế Sài Gòn…
- Theo Thông tư số 07/2011/TT-BYT, hệ thống Quản lý điều dưỡng trong các bệnh viện bao gồm: Hội đồng điều dưỡng, Phòng Điều dưỡng. Các bệnh viện có quy mô nhỏ <100 giường bệnh có Tổ Điều dưỡng trưởng. Hiện nay, Trưởng phó phòng điều dưỡng bệnh viện 100% có trình độ đại học, thạc sĩ và một số có trình độ tiến sĩ. Điều dưỡng trưởng khoa có trình độ cao đẳng và đại học.
- Chủ trương tinh gọn bộ máy là đúng nhưng việc sáp nhập Phòng Điều dưỡng bệnh viện vào các Phòng khác không cùng chức năng-nhiệm vụ và thiếu định hướng thống nhất như hiện nay cần được xem xét một cách thận trọng và kỹ lưỡng. Chúng ta thường nói 50-60% công việc bệnh viện là do điều dưỡng thực hiện. Trên thế giới cứ ở đâu có bệnh viện là ở đó có hệ thống quản lý điều dưỡng.
- Trong trường, hợp ở một số bệnh viện tuyến huyện có quy mô giường bệnh nhỏ cần sáp nhập, Hội Điều dưỡng Việt Nam đề nghị Bộ Y tế cần có Văn bản hướng dẫn để tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu thiếu sự thống nhất sẽ dẫn đến hậu quả rất khó khắc phục sau này.
2.4. Xây dựng lộ trình đưa giá dịch vụ chăm sóc người bệnh vào chi phí giường bệnh
- Hiện nay, các chi phí khám chữa bệnh được Bảo hiểm y tế thanh toán chủ yếu là dịch vụ kỹ thuật do các bác sĩ thực hiện trực tiếp trên người bệnh. Các dịch vụ chuyên môn kỹ thuật của điều dưỡng, hộ sinh chưa được đưa đầy đủ vào danh mục Bảo hiểm y tế thanh toán. Đặc biệt, dịch vụ chăm sóc vất vả của Điều hưỡng – hộ sinh chưa được kết cấu phù hợp vào danh mục giá dịch vụ khám chữa bệnh. Các nước trên thế giới chi phí ngày giường chủ yếu trả cho dịch vụ chăm sóc người bệnh của điều dưỡng.
- Trong xu thế bệnh viện tự chủ, nhóm cán bộ y tế tạo được nguồn thu cho bệnh viện được đánh giá cao, dịch vụ do điều dưỡng cung cấp không tạo được nguồn thu dẫn đến dịch vụ chăm sóc người bệnh bị coi nhẹ. Thậm chí bị xem là lao động ăn theo bác sĩ!. Bất cập về chính sách liên quan chi trả của Bảo hiểm y tế hiện nay, đặt lực lượng điều dưỡng-hộ sinh vào vị thế bất lợi vừa thiệt thòi vừa chưa công bằng với người lao động là điều dưỡng viên với gần 85% là lao động nữ.
- Hàng chục năm nay nhiều bệnh viện thành phố người bệnh phải thuê người chăm sóc trong các bệnh viện. Hiện nay, đã có một số bệnh viện công lập tiên phong triển khai chăm sóc người bệnh toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai nơi hầu hết người bệnh đều mắc bệnh nặng cần hỗ trợ chăm sóc. Bệnh viện buộc phải tuyển thêm điều dưỡng viên để cung cấp dịch vụ chăm sóc người bệnh chất lượng hơn, an toàn hơn và chuyên nghiệp hơn. Xuất hiện vấn đề bệnh viện lấy nguồn kinh phí nào để chi trả lượng cho điều dưỡng viên nếu chính sách Bảo hiểm Y tế chưa kịp thay đổi.
- Hội Điều dưỡng Việt Nam kiến nghị bổ sung hợp lý công chăm sóc của điều dưỡng, hộ sinh vào ngày giường nội trú để dịch vụ Điều dưỡng đúng với giá trị thiết yếu của nó trong khám chữa bệnh và người bệnh được thừa hưởng chăm sóc tốt nhất của điều dưỡng viên.
Kính thưa các vị đại biểu,
Chặng đường 30 năm đã qua, Hội ĐDVN đã vượt qua nhiều thử thách, làm nên những thành tích đáng tự hào. Các hội thành viên tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Đổi mới phong cách thái độ hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thư Bác đã gửi Nam Nữ học viên Trường Y tá Liên khu 1 tháng 2/1949 “Y tá chẳng những là một nghề nghiệp mà lại là một nghĩa vụ… Việc giữ gìn và bồi dưỡng sức khỏe của dân tộc, người Y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, Y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi”.
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, Ban chấp hành Hội ghi nhận những đóng góp to lớn của các cán bộ lãnh đạo hội qua các thời kỳ. Đặc biệt ghi nhận sự cống hiến của Bà Vi Thị Nguyệt Hồ, Chủ tịch sáng lập, một tấm gương điển hình trong các tấm gương sáng về y đức, tận tụy với người bệnh và suốt đời vì sự phát triển Nghề Điều dưỡng.
Xin cảm ơn lãnh đạọ Bộ Y tế, các Vụ Cục của Bộ Y tế, Tổng Hội Y học Việt Nam, Ban cố vấn Hội Điều dưỡng Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam, các tổ chức và tất cả các vị đại biểu trong nước và quốc tế đã hợp tác với Hội trong suốt 30 năm qua./.