Năm 2020, WHO lựa chọn là năm quốc tế về điều dưỡng và hộ sinh nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của điều dưỡng và hộ sinh vào việc đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ. Đồng thời phát động “Chiến dịch Điều dưỡng ngày nay – Nursing Now Campaign” nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo quốc gia và thế giới về thiên chức và vai trò thiết yếu của điều dưỡng, hộ sinh trong việc duy trì một thế giới khỏe mạnh.
Chiều ngày 27 tháng 5 năm 2020, Hội Điều dưỡng Việt Nam phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Công đoàn Y tế Việt Nam, Hội Nữ hộ sinh Việt Nam tổ chức Hội thảo truyền thông Năm quốc tế điều dưỡng – hộ sinh
Đến dự Hội thảo có TS Kidong Park – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, PGS.TS Phạm Thanh Bình – Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, TS Nguyễn Hồng Sơn – Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Bộ Y tế, Ths Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, Ths Phạm Đức Mục – Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Lãnh đạo Công đoàn Y tế Việt Nam, Lãnh đạo Hội Điều dưỡng Việt Nam, Lãnh đạo các trường đào tạo điều dưỡng, các bệnh viện, các điều dưỡng và cơ quan truyền thông báo đài.
Phát biểu tại Hội thảo, Ths Phạm Đức Mục khẳng định: Đại dịch COVID-19 giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn và thuyết phục hơn về sự đóng góp của ĐD-HS, với vai trò là những chiến sĩ tuyến đầu. Họ đã vượt lên những nguy cơ của dịch bệnh, phối hợp với các thầy thuốc, thực hiện hàng loạt các hoạt động y tế như: sàng lọc NB, tổ chức cách ly, KSNK, theo dõi, chăm sóc và là chỗ dựa về tinh thần cho NB COVID-19. Sự thành công trong phòng chống COVID-19 tại Việt Nam là thành tựu chung của toàn bộ hệ thống chính trị, của ngành y tế VN, trong đó không thể không nói tới sự đóng góp to lớn và thầm lặng của ĐD & HS.
Tuy nhiên hiện nay số lượng điều dưỡng – hộ sinh tại Việt Nam còn thiếu hụt trầm trọng, với số lượng điều dưỡng ít như hiện nay, chúng ta khó có thể triển khai chăm sóc người bệnh toàn diện. Điều dưỡng-hộ sinh ở các khoa trọng điểm như hồi sức cấp cứu, cấp cứu, sơ sinh phải trực ca-kíp kéo dài 24/24h và tình trạng ca chồng ca còn khá phổ biến tại nhiều bệnh viện.
Ths Phạm Đức Mục – Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
TS. Kidong Park, Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam cho biết, WHO đang kêu gọi các nước thành viên tăng cường đầu tư vào đào tạo điều dưỡng và hộ sinh; tăng cường đầu tư để tạo ra nhiều cơ hội việc làm tốt cho điều dưỡng và hộ sinh; tăng cường đầu tư để đẩy mạnh vai trò lãnh đạo cho điều dưỡng và hộ sinh. Với gần 28 triệu điều dưỡng, hộ sinh toàn cầu nói chung và gần 140.000 điều dưỡng, hộ sinh của Việt Nam, điều dưỡng, hộ sinh chiếm gần 50% nguồn nhân lực y tế, cung cấp dịch vụ nhiều nhất, thường xuyên nhất và và liên tục nhất. Vì vậy, sẽ không có một Chương trình y tế quốc gia hiệu quả nếu không phát huy tối đa tiềm năng của điều dưỡng, hộ sinh.
TS Kidong Park – Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình – Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam: Khảo sát mới nhất của Công đoàn Y tế Việt nam đối với 70 công đoàn cơ sở trực thuộc trong thời gian chống dịch Covid-19, số giờ làm việc gia tăng (trung bình 3,65 giờ/ngày) đối với các đơn vị trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt tại các cơ sở y tế thực hiện khám, chữa bệnh.
Ngay trong giai đoạn chưa xảy ra dịch Covid-19, môi trường làm việc của các cán bộ y tế nói chung và của điều dưỡng, hộ sinh nói riêng luôn tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe. Bên cạnh đó, các chính sách đãi ngộ hiện hành cho cán bộ y tế chưa tương xứng với đặc thù nghề y như phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp đặc thù, phụ cấp độc hại nguy hiểm, phụ cấp công vụ, chức vụ, phụ cấp thu hút ở địa phương, phụ cấp cho các đơn vị bảo vệ cán bộ cao cấp…
PGS.TS Phạm Thanh Bình – Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Theo TS Nguyễn Hồng Sơn – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế điều dưỡng ngày nay đã phát triển rất nhiều với đủ các trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học. Chức năng, nhiệm vụ của điều dưỡng không chỉ thực hiện y lệnh như trước đây, mà con tham gia quản lý, nghiên cứu, nhận định và đưa ra các quyết định chăm sóc người bệnh. Đặc biệt trong cuộc chiến chống Covid – 19 vừa qua, vai trò của điều dưỡng là hết sức quan trọng, song hành cùng các cán bộ y tế để chăm sóc cho người bệnh, góp sức vào sự thành công trong chống dịch của đất nước. Bộ Y tế cũng đã xây dựng các hạng viên chức cho điều dưỡng song song cùng với các chuyên ngành y tế khác và sắp tới sẽ có hướng dẫn và tổ chức thi thăng hạng cho điều dưỡng viên hạng II và hạng III cùng với bác sĩ và dược sĩ.
TS Nguyễn Hồng Sơn – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo
Thông qua Hội thảo hôm nay, Hội Điều dưỡng Việt Nam mong muốn thông qua các cơ quan truyền thông, báo chí, truyền hình để thông tin rộng rãi và định hướng cộng đồng sử dụng đúng tên ngành đào tạo là “ĐIỀU DƯỠNG” và tên nghề là “ĐIỀU DƯỠNG VIÊN” thay cho tên gọi “Y TÁ” đã được sửa đổi theo quy định của pháp luật từ năm 2005.
Việc sử dụng tên “kép”, lúc Điều dưỡng lúc Y tá trên các mặt báo giấy, báo điện tử, trên các kênh truyền hình, trong xưng hô giao tiếp hàng ngày không chính danh dẫn đến người dân, người bệnh và ngay chính sinh viên điều dưỡng cũng mơ hồ về sự khác nhau giữa Y TÁ và ĐIỀU DƯỠNG VIÊN.
Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập ASEAN và quốc tế, trước tình trạng khủng hoảng nhân lực Nhân viên chăm sóc và Điều dưỡng viên ở nhiều nước trên thế giới, một số Công ty đã giới thiệu CARE GIVER/nhân viên chăm sóc là Điều dưỡng viên. Đây là những nhầm lẫn tai hại cho những người tham gia chương trình xuất khẩu lao động.
Việc sử dụng chính danh tên gọi ĐIỀU DƯỠNG VIÊN vừa đúng với quy định pháp luật, vừa phản ánh trình độ học vấn, vừa thể hiện phạm vi chuyên môn và vừa đáp ứng sự mong mỏi của hàng ngàn ĐDV cả nước. Hội ĐDVN rất mong sự vào cuộc của cơ quan truyền thông để định hướng người dân về ngành ĐIỀU DƯỠNG và nghề ĐIỀU DƯỠNG VIÊN trong xã hội. Tạo thêm niềm tin và niềm tự hào nghề nghiệp cho Điều dưỡng viên cả nước.