Hưởng ứng lời kêu gọi, hiệu triệu của Chính phủ và Bộ Y tế, trong tháng 7/2021, tỉnh Vĩnh Phúc đã cử 2 đoàn với 60 y, bác sỹ chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh. Ở nơi tuyến đầu chống dịch, những chiến sĩ áo trắng của Vĩnh Phúc đang nỗ lực chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Thủ Đức và Bệnh viện dã chiến số 16, quận 7 bằng cả tấm lòng, mong muốn góp một phần công sức của mình cùng thành phố Hồ Chí Minh sớm vượt qua đại dịch.
Sau khi giành giật lại sự sống cho mẹ con thai phụ, hằng ngày, bác sĩ Bùi Văn Khang
và các đồng nghiệp vẫn phải theo dõi sát sao tiến triển bệnh của mẹ
và sự phát triển của thai nhi để có phác đồ điều trị phù hợp
Vừa hoàn thành nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến tỉnh ít ngày, sáng 13/7, bác sĩ Bùi Văn Khang, Phó Trưởng Khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa tỉnh lại hăng hái nhận nhiệm vụ cùng Đoàn công tác số 1 của tỉnh chi viện cho Bệnh viện điều trị Covid-19 Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh – nơi đang điều trị cho những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. Hơn 20 ngày qua, bác sĩ Khang cùng các đồng nghiệp luôn phải làm việc hết sức, có những ngày làm tới 12 tiếng với quyết tâm cao nhất giành giật lại sự sống cho bệnh nhân.
“Lúc ở nhà, mình cũng xác định tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp, thế nhưng khi vào đây mới thấy hết sự nguy hiểm, khốc liệt của nó. Đơn cử như ở Khoa Hồi sức tích cực, được xem là nơi áp lực và cam go nhất có 27 giường bệnh thì hầu như lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, 100% bệnh nhân đều phải thở máy, nhiều người bệnh phải can thiệp lọc máu, tình trạng sức khỏe liên tục diễn biến xấu. Những ngày qua, các y, bác sĩ của Vĩnh Phúc đang phối hợp với các đồng nghiệp của bệnh viện chăm sóc, điều trị tích cực cho một bệnh nhân Covid-19 mang thai ở tuần 28. Mặc dù không có bệnh nền nhưng sau khi nhập viện điều trị ít ngày, tình hình sức khỏe bệnh nhân nhanh chóng chuyển biến xấu, suy hô hấp, viêm phổi nặng, tổn thương gần như cả hai bên phổi, mạch và huyết áp không ổn định. Thậm chí, khi chuyển lên Khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã xảy ra hiện tượng ngừng tim. Để cứu sống thai phụ, chúng tôi phải thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn, dùng thuốc vận mạch, thở máy đặt nội khí quản, lọc máu liên tục, dùng ống sonde dạ dày để truyền dinh dưỡng nuôi sống cơ thể bệnh nhân và thai nhi… Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng tình trạng tổn thương phổi vẫn nặng cần theo dõi sát sao và siêu âm thai hằng ngày để đưa ra phương án điều trị kịp thời. Đặc biệt, vì là bệnh nhân Covid-19 nên sẽ không có người nhà, các y, bác sĩ lại mất thêm nhiều thời gian cho việc chăm sóc, vệ sinh cá nhân, động viên tinh thần người bệnh nên công việc càng thêm bận rộn, vất vả. Chúng tôi luôn động viên nhau nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên cập nhật diễn biến sức khỏe của người bệnh để cùng hội chẩn nhằm tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất” – bác sĩ Khang chia sẻ.
Dù chồng cũng làm trong ngành y và đang tích cực tham gia chống dịch tại quê nhà nhưng điều dưỡng Lưu Thị Như Nguyệt, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch vẫn quyết định gửi lại 2 con nhỏ nhờ mẹ chồng chăm sóc, xung phong lên đường vào tâm dịch. Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của chị trong 3 tuần qua là chăm sóc bệnh nhi mắc Covid-19 tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Thủ Đức.
Các y, bác sĩ của Vĩnh Phúc chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân
tại Bệnh viện dã chiến số 16, quận 7
Tâm sự với chúng tôi, chị bảo, từ hôm vào đây người thân lo lắng nên liên tục gọi điện thoại hỏi thăm, động viên nhưng cũng chẳng còn thời gian mà nhớ nhà, nhớ các con nữa. Lúc đi làm thì phải gắng hết sức vào guồng quay của công việc, đến khi hết ca trực về khách sạn chưa đặt lưng xuống giường đã ngủ mất vì mệt mỏi và cũng là để có đủ sức cho cuộc chiến ngày mai. Quả thực, những ngày đầu cũng khá hồi hộp, lo lắng vì chưa từng điều trị cho bệnh nhi mắc Covid-19, nhất là có cháu rất nhỏ chỉ vài ngày tuổi nhưng chúng tôi đã nhanh chóng bắt nhịp. May mắn là các bệnh nhi chỉ có triệu chứng nhẹ như ho, sốt và đa phần có người thân theo chăm sóc. Tuy nhiên, cũng có những bé cả gia đình đều trở thành bệnh nhân Covid-19, bố và mẹ đang trong tình trạng bệnh nặng nên ngoài thời gian điều trị, các bác sĩ, điều dưỡng phải kiêm nhiệm luôn nhiệm vụ bảo mẫu, thay phiên nhau người bế, người dỗ, người pha sữa cho bé. Cũng là một người mẹ có con nhỏ nên tôi thương và lo cho các bé lắm, chỉ biết cố gắng dành thêm thời gian tìm hiểu thói quen, sở thích của từng bệnh nhi để dồn hết tâm sức chăm sóc tốt nhất cho các bé. Mỗi lần chứng kiến bệnh nhân của mình có kết quả âm tính, chúng tôi mừng rơi nước mắt, giống như người thân của mình khỏi bệnh vậy.
Khi được hỏi về lý do viết đơn tình nguyện xung phong tham gia đoàn công tác chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh chống dịch, điều dưỡng Ngô Tuyết Anh, đang công tác tại Khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Sản – Nhi Vĩnh Phúc bảo: “Trong khoa đa phần là các y, bác sỹ trẻ đang có con nhỏ, mình thì con cái đã lớn lên rảnh hơn. Hơn nữa, qua các phương tiện thông tin đại chúng thấy được đồng nghiệp trong này đang rất vất vả chiến đấu với dịch bệnh để truy vết, sàng lọc, xét nghiệm, điều trị cho người dân đã thôi thúc, cho tôi ý chí, niềm tin để xung phong lên đường đi vào tâm dịch ngay khi ngành Y tế tỉnh kêu gọi.”
Ngay những ngày đầu đến tâm dịch, do không quen thời tiết, khí hậu lại phải làm việc với cường độ cao nên chị Tuyết Anh đã bị ho, sốt phải dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, với nhiệm vụ kiểm soát viên nhiễm khuẩn, ngày nào chị cũng phải có mặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 từ hơn 6 giờ sáng và ra về muộn hơn các đồng nghiệp để giám sát, theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở nhân viên y tế của bệnh viện và bệnh nhân thực hiện nghiêm các quy định về nhiễm khuẩn. Không chỉ vậy, do bệnh viện đang trong quá trình vừa hoàn thiện vừa điều trị, số bệnh nhân mỗi ngày một tăng nên ngoài công việc kiểm soát nhiễm khuẩn chị còn kiêm luôn việc ghi hồ sơ bệnh án, chăm sóc bệnh nhân và dọn dẹp vệ sinh… Đặc biệt, ở Đoàn công tác số 2, điều dưỡng Tuyết Anh còn là một trong những y, bác sĩ có tuổi đời và tuổi nghề nhiều nhất, vì vậy, ngay cả những lúc mệt mỏi nhất, chị vẫn phải tỏ ra thật vững vàng, kiên cường, làm chỗ dựa, động viên các thành viên trong đoàn nỗ lực, giữ tinh thần lạc quan để có thể vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vừa bảo vệ bản thân, không bị lây nhiễm bệnh.
Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Linh – thành viên trẻ nhất Đoàn công tác số 2
tranh thủ chụp ảnh cùng mẹ trước giờ lên đường vào TP Hồ Chí Minh chống dịch
Là thành viên trẻ tuổi nhất tham gia Đoàn công tác chi viện cho Bệnh viện dã chiến số 16 tại quận 7, điều dưỡng Nguyễn Ngọc Linh, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh kể: “Vì phải mặc bộ đồ bảo hộ trong thời gian dài, cường độ công việc lớn, lượng bệnh nhân đông nên lúc nào mồ hôi cũng đổ xuống như tắm, quần áo ướt sũng, mắt cay xè cũng chẳng dám đưa tay lên lau, thậm chí tôi còn bị dị ứng mẩn đỏ phải dùng thuốc. Thế nhưng, điều chúng tôi quan tâm nhất, đặt lên hàng đầu lúc này vẫn là sức khoẻ và tính mạng của bệnh nhân. Do là bệnh nhân Covid-19 sẽ không có người thân chăm sóc trong khi thời gian nằm viện tính bằng tuần, bằng tháng, người bệnh thường buồn chán, bất an nên điều đầu tiên chúng tôi làm là trấn an, khích lệ tinh thần bệnh nhân, trong quá trình điều trị thì động viên bệnh nhân ăn uống, vận động, kết hợp sinh hoạt lành mạnh để tăng sức đề kháng thì sức khoẻ mới mau phục hồi. Điều ấn tượng nhất với tôi là ở đây dù phải mặc đồ bảo hộ kín mít và hạn chế nói chuyện, chủ yếu chỉ giao tiếp qua ánh mắt, không hề biết tên, tuổi của nhau nhưng cả bác sĩ của bệnh viện lẫn đội ngũ tăng cường đều phối hợp với nhau khá nhịp nhàng. Mỗi ca trực, anh em lại động viên nhau làm tốt công tác bảo hộ, cố gắng giữ an toàn cho bản thân để tiếp tục “đánh giặc”, thấy bạn trực cùng đuối sức thì sẵn sàng làm thay nhiệm vụ. Tất cả cùng vui khi sức khoẻ bệnh nhân có tiến triển tốt, buồn khi có ca chuyển biến xấu, rồi lại cùng ngồi nhau lại xem xét lại toàn bộ quy trình chăm sóc để rút kinh nghiệm… Với tôi, những ngày được công tác ở đây sẽ là những kỷ niệm không thể nào quên”.
Dù trên những tờ giấy điều động công tác đều bỏ trống thông tin ngày về nhưng không một ai trong số 60 chiến sỹ áo trắng của Vĩnh Phúc đang ở giữa tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh bận lòng vì điều đó, bởi trước ngày lên đường, họ đã tự hứa: “Bao giờ thành phố Hồ Chí Minh hết dịch, bao giờ trả lại sự bình yên cho người dân mới trở về…”. Đó không chỉ xuất phát từ tấm lòng, y đức của người thầy thuốc mà còn là nhiệm vụ cao cả cùng chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc viết lên những bài ca đẹp về nghĩa tình đồng bào với thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các địa phương nói chung trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Qua trao đổi điện thoại nhanh với các đồng chí trưởng đoàn công tác được biết, mặc dù tình hình dịch bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh rất phức tạp, số lượng bệnh nhân tăng nhanh, nhiều bệnh nhân liên tục trở nặng, nguy cơ cán bộ y tế bị lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 rất lớn, tuy nhiên, nhờ tuyệt đối tuân thủ các quy định, quy trình phòng chống dịch cũng như sự động viên, khích lệ kịp thời từ lãnh đạo tỉnh, ngành Y tế và người thân nơi quê nhà, đến thời điểm hiện tại, sức khỏe và tinh thần của 2 đoàn cán bộ y tế Vĩnh Phúc vẫn ổn định. Các thành viên trong 2 đoàn công tác luôn nêu cao quyết tâm chống dịch, nỗ lực đem hết kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cùng ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh sớm đẩy lùi dịch Covid-19.