“Tôi đã học được rằng, khi cho đi bằng tất cả tấm lòng, ta sẽ nhận lại được nhiều hơn thế và chẳng phải người có nhiều của cải mới là người giàu có, chính người cho đi nhiều mới là người giàu có. Những điều cao quý và giá trị nhất trên đời đều không thể nhìn thấy và chạm vào được, chúng chỉ được cảm nhận bằng con tim.”
Người ta thường thích nhâm nhi tách cafe cho buổi sớm một ngày mới, còn tôi, tôi chọn cho riêng mình cốc cafe tối muộn. Chẳng phải tôi không biết đó là một thói quen xấu. Chỉ là…ừ, như các bạn đã biết, thói quen thì thường khó bỏ, với tôi cũng vậy. Và, đêm nay đặc biệt hơn, bên cốc cafe dịu đắng, tôi lần giở từng trang sách “Khi hơi thở hóa thinh không” và thả mình trong đoạn hồi ức đã thay đổi cuộc đời tôi.
“Khi hơi thở hóa thinh không” là cuốn hồi kí được Paul Kalanithi, một bác sĩ phẫu thuật viết trong những tháng cuối cùng của cuộc đời anh – khi anh đang đối mặt trực tiếp với cái chết. Quyển sách để lại trong tôi nổi ám ảnh khó mà quên được, nó đưa tôi đi đến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Nơi đó, là cuộc chiến đấu của con người với bệnh tật. Khi đối diện với cái chết, bạn biết điều gì là ý nghĩa với cuộc sống và bạn cần làm gì với cuộc sống của mình. Rồi, tôi nghĩ về mình và công việc của mình – một điều dưỡng viên.
Chân dung anh Nguyễn Văn Minh – Điều dưỡng trưởng, khoa HSCC – Vinmec Đà Nẵng
Người đã có những chia sẻ xúc động về người bệnh đầu tiên tại Vinmec và niềm tự hào khi trở thành một điều dưỡng
Điều dưỡng là nghề “làm dâu trăm họ”…
Người ta ví điều dưỡng là “nghề làm dâu trăm họ”, bởi đối tượng mà điều dưỡng tiếp xúc chính là người bệnh. Chúng tôi chăm sóc người bệnh theo một cách toàn diện và liên tục, từ tư vấn và hướng dẫn cho người bệnh, người nhà về: giáo dục sức khỏe, cách tự chăm sóc, tự theo dõi trong thời gian nằm viện và sau khi ra viện về nhà; trợ giúp bác sĩ thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật; hay chăm sóc tinh thần cho người bệnh là một phần không thể thiếu; Trường hợp cần chăm sóc cấp I là người bệnh nặng, bị hôn mê, thậm chí nguy kịch tính mạng và phải nằm bất động thì điều dưỡng viên sẽ chăm sóc toàn diện cho người bệnh (bao gồm cả chăm sóc vệ sinh cá nhân); chăm sóc dinh dưỡng giúp bệnh nhân phục hồi nhanh nhất có thể; hay như việc chăm sóc phục hồi chức năng là công việc khó khăn nhất và cần sự kiên trì nhất ở người điều dưỡng…
Và, việc buồn nhất của một điều dưỡng có lẽ là chăm sóc những người bệnh giai đoạn hấp hối, điều dưỡng phải giải thích và thông báo với người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh nhân, tạo điều kiện cho họ ở cạnh bệnh nhân. Ý thức được trách nhiệm của mình, dù đang trong hoàn cảnh nào, chúng tôi luôn giữ cho mình sự tỉnh táo để an ủi, động viên người bệnh và người nhà bệnh nhân. Rõ ràng, hiếm có một nghề nào buộc con người phải vượt qua giới hạn về tình thương và sự chai lì trước những điều tiếng không hay cũng như đối mặt với những hiểm họa rình rập…như vậy. Vì lẽ đó, để làm tốt công việc này, chúng tôi đã gạt bỏ hết những định kiến của xã hội, chuyên tâm vào công việc, giữ vững tình yêu nghề và lương tâm nghề nghiệp, luôn nhẫn nại, lắng nghe, thấu hiểu bệnh nhân và luôn coi người bệnh là người nhà của mình, chăm sóc người bệnh cũng giống như chăm sóc chính gia đình vậy.
“Vì lẽ đó, để làm tốt công việc này, chúng tôi đã gạt bỏ hết những định kiến của xã hội, chuyên tâm vào công việc, giữ vững tình yêu nghề và lương tâm nghề nghiệp, luôn nhẫn nại, lắng nghe, thấu hiểu bệnh nhân và luôn coi người bệnh là người nhà của mình, chăm sóc người bệnh cũng giống như chăm sóc chính gia đình vậy.”
Ký ức không thể quên về người bệnh nhân đầu tiên tại Vinmec
Trong mạch suy nghĩ miên man ấy, tôi lại nhớ về hình ảnh chị Nụ. Tôi vẫn nhớ như in ngày hôm đó, 12/05/2017, lúc bấy giờ tôi được sắp xếp cho thử việc tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City trước khi chính thức được trở thành thành viên của gia đình Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Đà Nẵng, chị Nụ là bệnh nhân đầu tiên tôi được phân công chăm sóc ở đây. Chị là khách du lịch không may gặp tai nạn, do tình trạng bệnh tương đối nặng, chị được chuyển bằng máy bay ra Vinmec Times City để tiếp tục điều trị. Sau tai nạn ấy, chị Nụ luôn trong tình trạng hôn mê, cần rất nhiều sự trợ giúp y tế. Hàng ngày, công việc của tôi là chăm sóc toàn diện cho chị, làm vệ sinh cá nhân, thay băng, vỗ rung, hút đờm,…hay cứ mỗi 2 tiếng lại trở người cho chị tránh không để chị bị loét… Những ngày ở bên chăm sóc chị như thước phim chầm chậm ùa về trong tâm trí, văng vẳng bên tai tôi là tiếng thu âm của cô bé con hôm nào: “Mẹ Nụ ơi! Về với con!”. Cô bé là con gái của chị Nụ, em đã ghi âm lại giọng mình để có thể luôn mở cho mẹ nghe, dù người mẹ vẫn còn hôn mê, cô bé ấy vẫn luôn tin rằng, sẽ có một phép màu, đâu đó trong tiềm thức của mẹ, mẹ của em sẽ nghe thấy và đi theo tiếng gọi để trở về…
Tôi nhớ từng đọc đâu đó câu này: “To be realist, you must believe in micracles”, hãy tạm dịch với tôi thế này: Để trở thành con người thực tế, trước hết bạn phải tin vào phép lạ. Có lẽ thật vậy, kể từ thời điểm đó, tôi bắt đầu cho phép bản thân mình tin vào…phép lạ. Một người chồng thương vợ, một người mẹ già yêu con và đứa con thơ vẫn luôn ngóng mong vòng tay yêu thương của mẹ. Trái tim tôi dường như cùng sẻ chia nỗi đau của gia đình họ, mỗi ngày tôi đều chăm chỉ làm việc bằng tất cả tình thương và cầu nguyện cho chị sớm ngày hồi tỉnh. Tôi biết, mỗi ngày trôi qua, chị Nụ tưởng chừng đang yên bình say giấc ngủ nằm kia vẫn kiên cường chiến đấu để giành giật sự sống giữa lằn ranh sự sống – cái chết quá đỗi mong manh ấy; và bên ngoài, là người chồng, người mẹ hiền và đứa con thơ vẫn kiên tâm chở che, giữ cho ngọn nến hy vọng mãi sáng chờ ngày chị Nụ trở về. Những ngày tôi được phân công chăm sóc cho chị, tôi và người nhà vẫn thường nói chuyện với nhau, cùng chia sẻ suy nghĩ, những khó khăn trong cuộc sống cũng như công việc, hay cả những câu chuyện thường nhật… Tôi làm mọi thứ mong họ có thể mở lòng mình, để tôi có thể san sẻ nỗi đau, ủi an, động viên,…và giúp họ phần nào vững vàng hơn trên chặng đường còn lắm gian nan phía trước.
Tập thể Y bác sĩ, điều dưỡng viên tại Vinmec Đà Nẵng.
Những đồng nghiệp được anh Minh ví như những người anh, em góp phần thay đổi anh một cách tích cực
Thời gian thử việc 2 tháng cũng thấm thoát trôi qua. Tôi được lệnh trở về Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng, chị Nụ vẫn bình yên ở lại… Đêm trực cuối cùng của tôi tại khoa ICU, người mẹ đã bước đến bắt tay tôi, cô bảo rằng cô cảm ơn tôi và bệnh viện nhiều lắm. Nhờ có bệnh viện đã hết sức tạo điều kiện để chị có được sự chăm sóc tốt nhất. Cô còn bảo rằng, nhân viên ở đây rất gần gũi và thân thiện, ân cần, cởi mở, nhiệt tình, luôn vui vẻ và sẵn sàng giải thích những băn khoăn, thắc mắc của mọi người, nhờ vậy mà cô và gia đình luôn cảm thấy được an ủi, sẻ chia, vơi bớt phần nào muộn phiền… Cô và gia đình hoàn toàn yên tâm và tin tưởng khi quyết định để chị Nụ điều trị tại đây. Nhìn vào đôi mắt cô, tôi biết, cô cảm nhận được sự quan tâm chân thành từ những con người cần mẫn, tận tâm nơi này.
Luôn là những “ngọn đuốc” của Vinmec, cháy trong mình nhiệt huyết
Tôi đã học được rằng, khi cho đi bằng tất cả tấm lòng, ta sẽ nhận lại được nhiều hơn thế và chẳng phải người có nhiều của cải mới là người giàu có, chính người cho đi nhiều mới là người giàu có. Những điều cao quý và giá trị nhất trên đời đều không thể nhìn thấy và chạm vào được, chúng chỉ được cảm nhận bằng con tim. Người bệnh đầu tiên của tôi ở Vinmec Times City đã để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc, khó quên như thế, chị Nụ và gia đình, cả lòng tốt của anh, chị, em, các bạn đồng nghiệp đã góp phần thay đổi cuộc đời tôi, tất nhiên là theo hướng tích cực hơn. Một số người thoáng qua cuộc đời ta, một số khác ở lại trong giây lát và ghi dấu trong tim ta, kể từ đó, ta không còn là ta của ngày hôm qua nữa. Khi ngoái đầu nhìn lại, không phải tiền bạc hay địa vị bạn đã giành được, mà những điều tốt đẹp bạn đã làm cho người khác mới quan trọng và có ý nghĩa nhất.
“Khi ngoái đầu nhìn lại, không phải tiền bạc hay địa vị bạn đã giành được,
mà những điều tốt đẹp bạn đã làm cho người khác mới quan trọng và có ý nghĩa nhất”
Theo cách lý giải nào đó, thường mỗi cuộc đời trong chúng ta được bắt đầu từ những ước mơ – đam mê – kỳ vọng và mong muốn mọi thứ được tiếp diễn một cách êm đềm. Thế nhưng, trong một số tình huống, theo cách chẳng ai muốn, nối tiếp sự kỳ vọng lại là khổ đau – sụp đổ. Những tôi tin rằng, bằng ý chí và niềm tin, chúng tôi – những ngọn đuốc của hệ thống Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec luôn cháy trong mình nhiệt huyết, nỗ lực phát triển, vươn lên, khao khát mang đến sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc, sẽ lại thắp lên hy vọng cho tất thảy mọi người. Vimec cho tôi một môi trường làm việc tuyệt vời, giúp tôi phát triển chuyên môn và mài giũa những phẩm chất đạo đức cao đẹp, ở đó, chúng tôi mang lại niềm tin cho người bệnh và người thân của họ, giúp họ tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn và biến niềm tin ấy thành hiện thực.
Nguyễn Văn Minh
Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức cấp cứu – Vinmec Đà Nẵng
Nguồn: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/hoat-dong-benh-vien/tach-ca-phe-luc-nua-dem-va-tam-su-giau-cam-xuc-cua-mot-dieu-duong/