Trong công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh, người điều dưỡng đóng vai trò rất quan trọng, họ ngoài việc thực hiện các y lệnh của bác sĩ, còn trực tiếp tiếp xúc, thăm hỏi động viên, chăm sóc người bệnh, lo lắng từ bữa ăn, giấc ngủ, thậm chí cả vệ sinh cá nhân hàng ngày của người bệnh.
Chăm sóc bệnh nhân như người nhà
Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện ĐK Đồng Nai trung bình mỗi ngày tiếp nhận, điều trị cho khoảng 160-200 bệnh nhân. Đa số các bệnh nhân vào đây là những ca bệnh nặng, sức khỏe trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” hoặc là đối tượng say xỉn, bị thương do tai nạn giao thông… Bởi vậy, tâm lý, cảm xúc của họ và người thân luôn gấp gáp, hối thúc…, đòi hỏi người điều dưỡng phải nhanh nhẹn, linh hoạt trong ứng xử, giao tiếp. Nhất là phải bình tĩnh, tỉnh táo trong chăm sóc, xử lý các vấn đề ban đầu để tránh khúc mắc không đáng có.
6 năm công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện ĐK Đồng Nai, điều dưỡng Trương Thị Quỳnh Trang cho biết, do là khoa điều trị cho bệnh nặng với nhiều loại bệnh khác nhau, người nhà bệnh nhân hạn chế vào chăm sóc, nên ngoài việc thực hiện các y lệnh của bác sĩ, người điều dưỡng còn phải chăm sóc bệnh nhân như chính người nhà của mình.
“Làm việc ở khoa Hồi sức cấp cứu phải thực sự yêu nghề, tận tâm với công việc thì mới tồn tại được lâu, bởi đây là khoa chịu nhiều áp lực, căng thẳng nhất. Không chỉ áp lực duy trì sức khỏe, tính mạng bệnh nhân, người điều dưỡng còn chịu áp lực lớn từ phía người nhà bệnh nhân. Đã có nhiều vụ ẩu đả, tấn công y, bác sĩ nên ngoài chuyên môn cao, còn phải có sức khỏe, tinh thần “thép” cũng như sự ứng xử khéo léo để đối phó với mọi tình huống”, điều dưỡng Quỳnh Trang chia sẻ.
Còn điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Khoa Hồi sức cấp cứu cho hay: Công việc điều dưỡng tại khoa được chia làm 2 ca, mỗi ca 12 tiếng. Người điều dưỡng luôn là người đến trước về sau. Đối với những ca bệnh nặng thì không chỉ việc chăm sóc đơn thuần, mà đòi hỏi người điều dưỡng phải quan tâm đến người bệnh một cách tỉ mỉ như: theo dõi lượng thức ăn mà bệnh nhân nạp vào mỗi bữa, bệnh nhân ăn có hiệu quả không, sau khi ăn bệnh nhân có chướng hay không, biểu cảm của bệnh nhân… để kịp thời thông báo cho bác sĩ nhằm có phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Công việc tuy vất vả, nhưng mình cảm thấy rất vui vì được chăm sóc cho người bệnh, góp phần nhỏ công sức để giúp họ mau hồi phục, sớm trở về với gia đình”, điều dưỡng Ngọc nói.
Chị Hoàng Thị Hà (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) có chồng là bệnh nhân L.V.C. điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu cho biết: “Chồng tôi bị xơ gan, do bệnh tình đã chuyển qua giai đoạn cuối nên có thể nói thời gian ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà. Ở lâu và tận mắt chứng kiến công việc của các điều dưỡng mới thấy hết nỗi vất vả của họ. Công việc của họ như “làm dâu trăm họ”, chạy ngược chạy xuôi hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác. Bệnh nhân ở đây đa số nặng, thương tích đầy mình, mọi công việc lau rửa vết thương đến ăn uống, vệ sinh cá nhân đều phải nhờ các điều dưỡng. Chúng tôi thật sự biết ơn sự tận tâm, ân cần, chu đáo của các điều dưỡng”.
Góp phần quan trọng trong điều trị bệnh
BS Đào Nguyễn Minh Châu, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho biết: Đa phần những bệnh nhân nằm ở khoa này là những bệnh nhân rất nặng, bắt buộc phải chăm sóc toàn diện từ việc ăn uống, gội đầu, vệ sinh thân thể, thay tã, chích thuốc… Vì vậy công việc của người điều dưỡng trong khoa rất vất vả. Bác sĩ ở đây chỉ là người ra y lệnh còn người điều dưỡng sẽ là người thực hiện tất cả, do vậy tình trạng bệnh nhân có phát triển tốt hay không phần lớn nhờ vào người điều dưỡng.
Điều dưỡng trưởng Nguyễn Ngọc Cương, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện ĐK Đồng Nai chia sẻ, do đây là khoa trại bệnh nặng nên cường độ làm việc rất cao, đòi hỏi các điều dưỡng có tay nghề cao. Các bệnh nhân ở đây đều là những bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, lơ mơ, phải thở máy, lọc máu, thay huyết tương… Vì vậy, ngoài công việc chăm sóc hàng ngày cho bệnh nhân thì các điều dưỡng ở đây còn phải có các chứng chỉ về lọc móc thì mới làm việc được.
Công việc tuy áp lực, vất vả, nhưng với những người điều dưỡng, niềm vui của họ là thấy sức khỏe người bệnh chuyển biến tốt hàng ngày, là sự thấu hiểu của người nhà cũng như người bệnh về những công việc mà họ đang làm.
“Có những bệnh nhân khi vào đây tưởng chừng như không qua khỏi, nhưng được sự chăm sóc tận tình của điều dưỡng thì sức khỏe bệnh nhân dần dần ổn định và xuất viện. Nhiều trường hợp, người nhà bệnh nhân đến cảm ơn khoa, nhưng với chúng tôi chỉ cần người bệnh, người nhà người bệnh hiểu được cực khổ của công việc chăm sóc bệnh nhân và hợp tác trong điều trị là chúng tôi vui và có động lực để tiếp tục công việc của mình”, điều dưỡng Ngô Thị Xinh, Khoa Hồi sức tích cực chống độc xúc động nói.
BS. Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho hay, do là bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh, số lượng bệnh nhân đông, nhiều ca bệnh nặng nên công việc của điều dưỡng tại bệnh viện rất áp lực, nhất là một số khoa như: cấp cứu, hồi sức tích cực chống độc… Trong khi đó, đồng lương của người điều dưỡng còn khá thấp, dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, những điều dưỡng làm việc tại bệnh viện vẫn hăng say, tận tụy với nghề, luôn nỗ lực nâng cao chuyên môn cũng như y đức, góp phần rất lớn trong việc chăm sóc cho bệnh nhân.
Thanh Tú
Nguồn. CDC Đồng Nai