Điều dưỡng – Người ta luôn ví với cái tên “nghề làm dâu trăm họ”, Bởi rằng đối tượng mà Điều dưỡng tiếp xúc chính là người bệnh và người nhà của họ. Mà người bệnh thì không ai giống ai, từ bệnh tình cho đến suy nghĩ, thái độ, cách cư xử và để gần gũi, hiểu được điều người bệnh muốn, không phải là chuyện dễ. Điều dưỡng là người hàng ngày tiếp xúc nhiều nhất, trực tiếp nhất đối với người bệnh và người nhà người bệnh. Để có thể chăm sóc tốt cho người bệnh, điều dưỡng luôn quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu các nhu cầu về thể chất và tinh thần của người bệnh. Người gặp người bệnh đầu tiên tại bệnh viện là điều dưỡng, người dặn dò chia tay người bệnh xuất viện cũng là điều dưỡng. Người chào đón, chăm sóc đứa trẻ trong những giây phút chào đời và cũng là người chăm sóc, kề cận người bệnh trong những tháng ngày từ giã cuộc đời. Mỗi con người đều trải qua sinh – lão – bệnh – tử và người điều dưỡng luôn đồng hành cùng họ trong suốt quá trình đó.
Nghề Điều dưỡng thực sự là một nghề cao cả, bản thân người làm nghề luôn cảm thấy tự hào, nghề Điều dưỡng luôn là một nghề được cả xã hội đón nhận và tôn vinh. Những người theo nghề này thực sự mang sự quyết tâm và can đảm rất lớn. Họ hy sinh bản thân vì lợi ích của người bệnh. Cùng thống khổ với từng nỗi đau, những sự dằn vặt, mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần của người bệnh.
Nghề Điều dưỡng viên mặc dù là một nghề cao cả, nhưng áp lực đối với nghề là vô cùng lớn. Các Điều dưỡng viên làm nghề về chăm sóc sức khỏe nhưng bản thân sức khỏe của họ lại bị ảnh hưởng rất nhiều. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, người điều dưỡng tham gia tiên phong trong các hoạt động từ sàng lọc, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, tuyên truyền, chăm sóc người bệnh Covid-19… Họ đã phải tạm gác lại công việc gia đình, xa vợ xa chồng xa con để trực tiếp vào tâm dịch. Làm việc trong những bộ đồ bảo hộ kín trong nhiều giờ đồng hồ, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
Tuy nhiên, Ai đó đã từng nói rằng cái nghề là cái nghiệp, lựa một nghề cũng khó khăn bởi ngoài việc có một đầu óc tỉnh táo, còn cần có cả sự rung động của trái tim và một chút nhân duyên đưa đẩy…Ai theo nghề Điều dưỡng cũng phải là người biết chấp nhận hy sinh và là người can đảm, bởi áp lực công việc rất cao. Khi bạn chọn học điều dưỡng là chọn con đường gian nan, thiệt thòi, đối diện với nỗi đau của kiếp người. Phải thực sự yêu nghề, có năng lực và phải có một tấm lòng nhân hậu mới đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp. Nhưng hơn hết tính mạng của con người là quan trọng, hạnh phúc biết bao khi cùng đồng nghiệp cứu sống một người qua cơn bệnh tật, cứu một mạng người.
Người làm nghề điều dưỡng để có thể chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu thì cần có niềm đam mê và tình yêu nghề nghiệp. Nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thực sự, họ đã không chọn nghề này…
Hòa chung không khí của những hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế điều dưỡng 12/5, nhằm ghi nhận, tôn vinh của xã hội về vai trò của của người điều dưỡng trong chăm sóc con người đặc biệt là chăm sóc người bệnh, Hội Điều dưỡng Việt Nam xin kính chúc quý thầy/cô, anh/chị và các bạn đã, đang và sẽ là điều dưỡng thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc, thành công trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân và luôn giữ vững Ngọn lửa Florence Nightingale rực cháy niềm tin, lòng yêu nghề, tận tâm với người bệnh. Tình trạng người bệnh tốt lên, người bệnh được xuất viện và những nụ cười của người bệnh như một lời cảm ơn, một món quà mà người bệnh, người nhà người bệnh giành cho chúng ta, những người hi sinh thầm lặng vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Kỷ niệm ngày 12/5 năm nay cả thế giới đang gồng mình chống lại đại dịch Covid-19, Với vai trò là những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, Hội Điều dưỡng Việt Nam mong rằng các Điều dưỡng giữ vững chí khí kiên cường, dũng cảm trong mặt trận chống dịch để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao đảm bảo an toàn, hiệu quả, góp phần vào quá trình đẩy lùi dịch bệnh của toàn dân tộc. Nhân loại không bao giờ quên hình ảnh người chiến sỹ áo trắng luôn hi sinh thầm lặng vì sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân. “Cảm ơn người Điều dưỡng – Thank for Nurses”.
Cảm xúc nhân ngày ĐIều dưỡng Quốc tế
CN Nguyễn Thị Hiền – Thư ký VPH