Nữ Điều dưỡng mang theo “Lời thề Hippocrates” đến Bình Dương

Thứ hai, 06/05/2024 - 14:11

SKĐS – Điều dưỡng Đinh Thị Thanh Huệ (Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) được tăng cường cho tỉnh Bình Dương vừa có ngày sinh nhật đặc biệt và ấm áp giữa tâm dịch. Chị tâm sự “Bước chân vào ngành y, làm điều dưỡng, em chưa hình dung có sinh nhật như vậy. Em sẽ không bao giờ quên…”

n tượng với tôi đối với Huệ là nụ cười tươi rói, nhanh nhẹn và hoạt bát. “Lần đầu được cử vào tâm dịch, em có sợ không?”, chúng tôi hỏi và Huệ đáp ko chần chừ: “Thầy thuốc chúng em không có từ sợ. Nơi nào có bệnh nhân là nơi đó có nhân viên y tế”.

Huệ nhận lệnh lên đường vào Bình Dương trưa hôm trước. Khi vừa hoàn thành buổi trực đêm, sáng hôm sau, chị về nhà thu dọn đồ đạc và quay trở lại bệnh viện đợi xe đưa ra sân bay.

Vào đến Bình Dương, ổn định cho nghỉ, Huệ gọi điện thông báo cho mẹ và được mẹ dặn: “Làm nghề y, là thầy thuốc nên xung phong đến nơi bệnh nhân cần. Cứ đi và cống hiến, nhớ đảm bảo sức khỏe, ăn uống đầy đủ”.

Huệ bảo rằng, khi thầy Hiếu (PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội) thông báo cần người vào miền Nam chống dịch, yêu cầu điều dường hồi sức, em đã xung phong.

Khi tất cả các cơ sở y tế bắt đầu quá tải người bệnh, số người nhiễm bệnh tăng kéo theo số cả tử vong có thể sẽ tăng lên từng ngày. “Chúng tôi bình thản vào tâm dịch để thực hiện lời thề Hippocrates thiêng liêng của mình” – Huệ nói.

“Lẽ ra em đã được đi Bắc Giang rồi đấy, nhưng vì trong khoa nhiều bạn xung phong tình nguyện nên đành lỡ hẹn chuyến công tác đó” – Huệ cười. Tiếng cười trong trẻo và tự tin của người con gái ngành y giữa tâm dịch.

Xuống đến sân bay Tân Sơn Nhất, theo xe về Bình Dương, Huệ đã bắt đầu hình dung về cuộc chiến khốc liệt, tàn nhẫn của dịch bệnh mà thầy thuốc phải đối mặt. Đường phố vắng tanh, cửa hiệu đóng cửa, chốt kiểm soát dịch nhiều hơn nhà hàng.

Nhiệm vụ của đội thầy thuốc BV ĐH Y Hà Nội là chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng, ở giữa “tầng 2” và “tầng 3” trong tháp điều trị 3 tầng của Bộ Y tế. Không nghỉ ngơi, thành viên trong đội khảo sát, bổ sung trang thiết bị cần phải có và bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân.

Sẽ khó tưởng tượng được sự khốc liệt nơi “chiến trường không tiếng súng” nếu bạn không đặt chân đến bệnh viện hồi sức – nơi chỉ nhận bệnh nhân nặng. Có những chiều, khoa phải tiếp nhận 40 – 60 bệnh nhân nặng mới.

“Chúng tôi chăm sóc bệnh nhân từ ăn uống, vệ sinh… Khoa này là nơi có nguy cơ phơi nhiễm COVID-19 cao nhất. Đây là lúc người dân cần những thầy thuốc, chúng tôi phải hoàn thành tốt nhất việc của mình”, Huệ bình thản nói.

Chỉ trong 3 ngày từ khi Huệ bắt đầu làm việc, bệnh nhân tăng vùn vụt. Từ 100 rồi lên 240 bệnh nhân. Những bệnh nhân này  đều có bệnh lý nền hoặc biến chứng suy hô hấp cần hỗ trợ oxy y tế dòng cao.

Một ngày làm việc của Huệ bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc lúc 19h. Trước khi vào chăm sóc bệnh nhân, Huệ cũng như các nhân viên y tế đều phải trang bị đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân.

Sau mỗi ca trực, bộ quần áo của điều dưỡng cũng như bác sĩ đều ướt sũng, có thể vắt ra nước.

“Vào làm việc, mồ hôi đầm đìa, cảm giác như mất nước, sau khi kết thúc công việc, điều đầu tiên chúng tôi cần là nước để uống. Cầm chai nước sau nhiều giờ làm chúng tôi như chạm đến nguồn sống. Bệnh nhân đông nên bệnh viện huy động hết nhân lực để tham gia nên không còn người để thay, không có ai đổi ca để nghỉ” – Huệ nói.

Với bệnh nhân COVID-19, đa phần có nhiều bệnh lý nền nặng. Mục tiêu của Huệ và các đồng nghiệp là theo dõi sát bệnh nhân hạn chế để chuyển nặng.

Bất chấp thiếu thốn về vật tư y tế, thuốc, cơ sở hạ tầng và nhất là nguồn nhân lực, Huệ cùng đồng đội có nhiệm vụ giữ cho bệnh nhân không phải đặt ống nội khí quản, nếu để diễn biến bệnh nhân xấu hơn, cần sự trợ giúp của máy thở qua ống nội khí quản là rất nguy hiểm.

Không phàn nàn, cô gái trẻ cùng các bạn vẫn chạy đua với công việc của mình.

Khu điều trị hồi sức COVID-19 Bình Dương được cải tạo gấp gáp từ Bệnh viện Tâm thần nên cơ sở vật chất còn sơ sài. Ban đầu khi nhận tiếp nhận giường bệnh nhân không có đệm, chỉ có chiếc chiếu được trải trên tấm song giường inox và một chiếc gối, không có chăn. Đồ đạc cá nhân cũng không mang được vào.

Huệ phải chạy vạy khắp nơi đi xin từng cái bỉm, tấm lót cho bệnh nhân. Người bệnh thiếu thốn nhiều quá. Tối về, Huệ có tâm sự với thầy của em, các bệnh nhân COVID-19 cần được nằm sấp sớm, như một liệu pháp điều trị cho các tổn thương phổi mắc phải. Nếu để họ phải nằm trên tấm dát giường, chỉ có chiếc chiếu mỏng lót trên, khổ quá, thầy ơi…!

Ngay sáng hôm sau, 200 tấm đệm cũng như chăn được giao đến bệnh viện, người bệnh có tấm đệm êm để nằm và trở mình, sau những cơn ho.

Điều dưỡng hồi sức có nhiều việc không tên như phải chăm sóc bệnh nhân từ việc ăn, uống thuốc đến gội đầu, thay bỉm. Đồng thời phải luôn luôn theo dõi bệnh nhân thiếu gì, cần gì để hỗ trợ kịp thời. Dù là việc đưa nước, phát cơm hay dọn dẹp Huệ chưa bao giờ nề hà việc gì.

Đồ tiếp tế của người nhà ban đầu gửi không được mang vào, bởi thiếu người vận chuyển. Thế là, các điều dưỡng quyết định dù nắng hay mưa tất cả các đồ tiếp tế đều được khử khuẩn và họ làm “người vận chuyển” để đồ người nhà gửi vào được chuyển đến tận tay bệnh nhân.

Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng mới thấm nỗi đau của người bệnh. Không người thân bên cạnh. Mọi việc đều phải dựa vào giúp đỡ của các điều dưỡng.

Huệ kể, có ngày, hôm trước em vừa bón từng thìa cháo cho bác bệnh nhân ăn. Sáng sau đến viện, hay tin bà đã mất trong đêm vì suy hô hấp tiến triển rất nhanh. Cảm giác hẫng hụt, trái tim như bị bóp nghẹt như vừa mất đi một người thân, choán hết tâm trí.

Những bệnh nhân nằm đó, không có người thân, không có người chăm sóc, rồi đến khi bệnh quá nặng, lìa xa cuộc đời, chỉ có những điều dưỡng, nhân viên y tế thay người nhà làm nốt những phần việc còn lại…

Đứng trước lằn ranh của sự sống và cái chết. Dù là ai đi chăng nữa, trái tim có sắt đá đến bao nhiêu cũng có lúc yếu mềm. Thầy thuốc cần vững vàng để làm chỗ dựa cho bệnh nhân giúp họ vượt qua bạo bệnh.

Thấu hiểu nỗi buồn xa gia đình, người thân của bệnh nhân, Huệ và đồng nghiệp luôn gắng hết sức để an ủi, có cơ hội là động viên: Cô, chú, gắng uống thêm nước, ăn thìa cháo đề sớm về đoàn tụ với gia đình.

Mong bệnh nhân được những điều tốt nhất. Mỗi chiến sĩ áo trắng, là một tia hy vọng cho những sinh mệnh dựa trên đôi bàn tay và khối óc.

Tất cả những điều tốt nhất đều dành cho người bệnh. Ở nơi đây, nhân viên y tế dùng bữa sau khi các bệnh nhân được ăn và sẽ chẳng ngủ được khi bệnh nhân không ngủ!.

Và đây sẽ là nơi ánh sáng không bao giờ tắt. Những đồng nghiệp xung quanh Huệ đến từ nhiều tỉnh, thành khác cùng với đồng nghiệp của mình ở Bình Dương thắp lên ngọn lửa hy vọng cho người bệnh.

Mồ hôi, nước mắt của họ hòa thấm bộ quần áo bảo hộ kín như bưng, nóng nực và ngột ngạt. Nhiều người đã kiệt sức nhưng tất cả đều động viên nhau không được phép gục ngã, không thể buông xuôi…

Với Huệ, vất vả của y bác sĩ cấp cứu – hồi sức chỉ là một góc nhỏ trong sự gian khổ chung để chống COVID-19:  “Ở nơi đây, chúng tôi làm hết sức, dốc lòng cứu những ca bệnh nguy kịch và đã thực hiện được. Với chúng tôi, đó là điều ý nghĩa nhất cho cuộc đời này”.

Niềm mong mỏi lớn nhất của Huệ lúc này là dịch nhanh chấm dứt để cuộc sống sớm trở lại bình thường, để Huệ được về thăm mẹ. “Tôi mong rằng mọi người hãy chỉ ra ngoài khi có việc thật sự cần thiết và tuân thủ 5K để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình. Nhớ nhà và đồng nghiệp lắm, đó là động lực để chúng tôi cố gắng hoàn thành tốt công việc để sớm về bên gia đình”, Huệ nói thêm.

Huệ nhờ chúng tôi nhắn nhủ đến các đồng nghiệp: “Các đồng nghiệp của tôi, hãy luôn sống với một trái tim nồng ấm. Cần phải có lý trí biết bảo vệ bản thân trước đại dịch để chúng ta giúp được nhiều bệnh nhân hơn!.

Nguồn: Nữ điều dưỡng mang theo “lời thề Hippocrates” đến Bình Dương (suckhoedoisong.vn)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hội thảo truyền thông Năm quốc tế điều dưỡng – hộ sinh
Hội thảo truyền thông Năm quốc tế điều dưỡng – hộ sinh

06-05-2024

Năm 2020, WHO lựa chọn là năm quốc tế về điều dưỡng và hộ sinh nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của điều dưỡng và hộ sinh vào việc đạt được...

BV Bạch Mai: Đổi mới công tác điều dưỡng thích ứng với COVID-19
BV Bạch Mai: Đổi mới công tác điều dưỡng thích ứng với COVID-19

06-05-2024

SKĐS – Chào mừng Ngày Quốc tế Điều dưỡng, BV Bạch Mai đã tổ chức Hội nghị khoa học Điều dưỡng năm 2022. Chủ đề của Hội nghị khoa học Điều...

Bên trong căn phòng không bệnh nhân COVID-19 nào muốn vào, nhân viên y tế “không dám xao nhãng vì sợ đổi bằng tính mạng người bệnh”
Bên trong căn phòng không bệnh nhân COVID-19 nào muốn vào, nhân viên y tế “không dám xao nhãng vì sợ đổi bằng tính mạng người bệnh”

06-05-2024

Đối với Cử nhân Điều dưỡng Bùi Kim Thư – Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (hiện đang làm việc tại Trung tâm hồi sức COVID-19),...

Mỗi điều dưỡng là một chiến binh
Mỗi điều dưỡng là một chiến binh

06-05-2024

Dịch vụ điều dưỡng, hộ sinh cung cấp được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là một trong bốn trụ cột của hệ thống dịch vụ y tế. Tại lễ kỷ...

Thông báo số 1 về việc đăng ký đề tài báo cáo tại Hội nghị khoa học Điều dưỡng toàn quốc lần thứ X
Thông báo số 1 về việc đăng ký đề tài báo cáo tại Hội nghị khoa học Điều dưỡng toàn quốc lần thứ X

06-05-2024

Hội Điều dưỡng Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị khoa học Điều dưỡng toàn quốc lần thứ X vào tháng 10 năm 2022, Văn phòng xin gửi đến Quý thầy/cô,...