Điều dưỡng cõng bệnh nhân COVID-19, ôm bình oxy 20kg leo 3 tầng, kịp thời cứu sống người bệnh

Thứ hai, 06/05/2024 - 14:11

SKĐS – “Để em cõng bệnh nhân xuống cho nhanh, chứ bây giờ đưa xuống bằng cáng chắc không kịp”. Vừa nói dứt câu, anh và đồng nghiệp người cõng bệnh nhân, người đỡ lưng, người thì ôm bình oxy nặng gần 20kg di chuyển nhanh xuống tầng một.

Công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh nhiễm COVID-19 luôn đòi hỏi các y, bác sĩ phải khẩn trương, đặc biệt là tại các trung tâm hồi sức tích cực nơi thời gian là yếu tố then chốt giúp bệnh nhân vượt qua lằn ranh sinh tử.

Bên trong Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Tiền Giang do các y, bác sĩ của Bệnh viện Hữu Nghị Việt – Xô trực tiếp quản lý và vận hành. Mỗi kíp trực tại ICU đều là những giờ phút cam go mà họ phải “chiến đấu” không chỉ với bệnh tật mà còn với chính bản thân mình.

Điều dưỡng Nguyễn Văn Mạnh hướng dẫn cho các nhân viên y tế tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi chăm sóc bệnh nhân thở máy

Điều dưỡng Nguyễn Văn Mạnh hướng dẫn cho các nhân viên y tế tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi chăm sóc bệnh nhân thở máy.

Hơn 10h đêm tại tầng 3 của khu hồi sức, nơi theo dõi, điều trị cho bệnh nhân nhẹ, trung bình, “Chị ơi bệnh nhân khó thở chị lên ngay ạ”, trong tiếng nói vang vọng giữa đêm của nữ điều dưỡng, lúc này 3 y, bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị trong ca trực tại tầng 1 tức tốc chạy lên phòng bệnh để nắm bắt tình hình.

Bệnh nhân H.T.A, 66 tuổi, lúc tỉnh, lúc mê, có biểu hiện suy hô hấp, nồng độ oxy trong máu SPO2 chỉ đạt 71%. Lập tức, điều dưỡng Nguyễn Văn Mạnh của Bệnh viện Hữu nghị tiến hành sơ cứu tại chỗ, tăng nồng độ oxy. Mặc dù vậy, bệnh nhân vẫn không có cải thiện. Nhận thấy người bệnh có diễn biến xấu, cả nhóm chuẩn bị cáng cứu thương, bình oxy để di chuyển bệnh nhân xuống tầng 1 – khu vực điều trị cho các ca bệnh nặng, nguy kịch.

Điều dưỡng Nguyễn Văn Mạnh bên cạnh một bệnh nhân COVID-19 có chuyển biến tốt

Điều dưỡng Nguyễn Văn Mạnh bên cạnh một bệnh nhân có chuyển biến tốt

Lúc này kíp trực chỉ có 3 người, 1 nam và 2 nữ, người bệnh lại đang diễn biến nhanh, việc vận chuyển bằng cáng xuống 3 tầng lầu sẽ tốn rất nhiều thời gian và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. “Để em cõng bệnh nhân xuống cho nhanh, chứ bây giờ đưa xuống bằng cáng chắc không kịp” – Điều dưỡng Nguyễn Văn Mạnh nói giọng khẩn trương.

Vừa nói dứt câu, anh và đồng nghiệp người cõng bệnh nhân, người đỡ lưng, nâng mông, người thì ôm bình oxy nặng gần 20kg di chuyển nhanh xuống tầng một. Đến nơi, SPO2 tụt còn 43% rồi 39%. Trong bầu không khí căng thẳng, mỗi người một việc, đặt máy thở oxy dòng cao, đặt đường truyền, mắc monitor theo dõi.

Mọi người đều thở phào, mồ hôi ướt đẫm làm mờ cả đi tấm chắn giọt bắn, mặc dù vậy ai nấy đều vui mừng vì nhờ sự khẩn trương, không ngại khó khăn của họ mà người bệnh đã vượt qua cơn nguy kịch, từ cõi chết trở về.

Chia sẻ với chúng tôi, điều dưỡng Nguyễn Văn Mạnh cho biết, khi nhận thấy người bệnh có diễn biến nhanh, với kinh nghiệm cấp cứu cũng như cảm quan của một điều dưỡng, anh không suy nghĩ nhiều mà ngay lập tức cùng đồng đội cõng bệnh nhân di chuyển xuống khu vực cấp cứu.

“Lúc đấy, trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất đó là làm sao khẩn trương cấp cứu, cố gắng cứu sống được người bệnh. Bệnh viện không có thang máy để di chuyển bệnh nhân, mặt khác cơ sở vật chất cũng tương đối cũ mà chỉ có 3 chị em, việc vận chuyển bằng cáng là không khả thi, linh tính mách bảo vì thế tôi cùng mọi người đã ngay lập tực cõng bệnh nhân xuống tầng một, may sao bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch” – Điều dưỡng Mạnh chia sẻ.

Trung tâm ICU đặt tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Tiền Giang là cơ sở hiện đang thu dung, điều trị cho 60-80 bệnh nhân COVID-19 có diễn biến nặng, nguy kịch, đây là cơ sở điều trị tuyến cuối thuộc “tháp điều trị 3 tầng” của Bộ Y tế. Trung tâm được chia làm 3 tầng, tương ứng với khu điều trị bệnh nhân nguy kịch, nặng đến nhẹ và đủ điều kiện xuất viện.

Điều dưỡng Đinh Thị Giang Hoài, BV Hữu nghị – người cũng đã trực tiếp hỗ trợ, cứu sống bệnh nhân H.T.A cho biết: “Mỗi kíp trực, chúng tôi phải liên tục theo dõi và chăm sóc cho 18 bệnh nhân diễn biến nặng, vì trực ca đêm cho nên ai cũng đều mệt mỏi, nhưng vì tính mạng của người bệnh cũng như trách nhiệm của một nhân viên y tế, chúng tôi luôn cố gắng, nỗ lực từng giây, từng phút mong sao người bệnh được khỏe mạnh, đó cũng là niềm vui và là động lực để chúng tôi tiếp tục chiến đấu trong cuộc chiến cam go này.”

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đại hội đại biểu Chi hội Điều dưỡng Bệnh viện 74 Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025
Đại hội đại biểu Chi hội Điều dưỡng Bệnh viện 74 Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025

06-05-2024

Ngày 18/3/2020, Chi hội Điều dưỡng Bệnh viện 74 Trung ương long trọng tổ chức Đại hội Chi hội Điều dưỡng bệnh viện lần thứ  IV nhiệm kỳ (2020 –...

Tài liệu của Bộ Y tế về Kiểm soát nhiễm khuẩn
Tài liệu của Bộ Y tế về Kiểm soát nhiễm khuẩn

06-05-2024

Văn phòng Hội Điều dưỡng Việt Nam xin gửi đến quý thầy/cô, anh/chị các văn bản của Bộ Y tế về Kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng ngừa chuẩn (1) Thông tư...

Hội nghị khoa học Điều dưỡng toàn quốc lần thứ X
Hội nghị khoa học Điều dưỡng toàn quốc lần thứ X

06-05-2024

Ngày 21 tháng 10 năm 2022, Hội Điều dưỡng Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức JICA Nhật Bản và Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định tổ chức thành công...

Vui buồn cùng bệnh nhân, quên đi nhọc nhằn nơi tuyến đầu chống dịch
Vui buồn cùng bệnh nhân, quên đi nhọc nhằn nơi tuyến đầu chống dịch

06-05-2024

Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), nơi điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 với đủ mọi lứa tuổi; các bác sĩ, điều dưỡng ngày ngày vui buồn...

Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Điều dưỡng Việt Nam
Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Điều dưỡng Việt Nam

06-05-2024

Ngày 17/12/2020, Hội Điều dưỡng Việt Nam Kỷ niệm 30 ngày thành lập Hội. Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại Hội nghị....