rong 2 ngày 26-27/5/2017, tại Hà Nội, Hội Điều dưỡng Việt Nam phối hợp với Hiệp Hội các Bệnh viện Nhật Bản tổ chức Hội thảo quốc tế về Điều dưỡng và Chăm sóc người bệnh. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Điều dưỡng hỗ trợ cộng đồng – Hội Điều dưỡng Việt Nam và Hiệp Hội các Bệnh viện Nhật Bản.
Trong 2 ngày 26-27/5/2017, tại Hà Nội, Hội Điều dưỡng Việt Nam phối hợp với Hiệp Hội các Bệnh viện Nhật Bản tổ chức Hội thảo quốc tế về Điều dưỡng và Chăm sóc người bệnh. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Điều dưỡng hỗ trợ cộng đồng – Hội Điều dưỡng Việt Nam và Hiệp Hội các Bệnh viện Nhật Bản.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Đức Mục- Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam nhấn mạnh, chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi luôn là mối quan tâm của Đảng, Nhà nước và ngành Y tế Việt Nam. Tính đến cuối năm 2016, dân số Việt Nam ước tính là 92,7 triệu người. Dự kiến dân số Việt Nam sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2026. Từ năm 2011, dân số Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa với tuổi thọ trung bình tăng liên tục trong các thập kỷ qua, do đó nhu cầu đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn. Tuy nhiên, nguồn điều dưỡng của Việt Nam thực tế mới chỉ đáp ứng được 1/3 quy định của Nhà nước về chế độ điều dưỡng.
Theo Bộ Y tế, nhân lực ngành điều dưỡng ở Việt Nam đang ở mức thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Nếu Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo 1 bác sĩ cần 4 điều dưỡng thì ở nước ta, tỉ lệ này chỉ là 1 bác sĩ có 1,5 điều dưỡng… Bên cạnh đó hiện nay, tại các quốc gia dân số siêu già như Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Canada đang phải đối mặt với những thách thức về vấn đề dân số mà hơn một thập kỷ qua vẫn chưa có giải pháp giải quyết hiệu quả. Đó là người trẻ càng ngày càng ít, người già càng ngày càng nhiều, dân số càng ngày càng giảm và nhân lực chăm sóc khủng hoảng nghiêm trọng.
“Trước vấn đề gia tăng di cư điều dưỡng phạm vi toàn cầu, công tác điều dưỡng đang là tâm điểm hội nhập quốc tế. Các nước phát triển không thể dựa vào nhân lực trong nước làm công tác chăm sóc mà buộc phải thu hút điều dưỡng nước ngoài”- Chủ tịch Hội Điều dưỡng Phạm Đức Mục cho biết.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Lợi- phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ, Bộ Y tế cho biết hợp tác song phương về điều dưỡng giữa Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết, tuy nhiên hiện nay việc đào tạo và phát triển điều dưỡng ở nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong hội nhập. Trên thực tế, cơ quan quản lý, Hội Điều dưỡng và các nhà trường đào tạo cũng đã nhiều lên cùng thảo luận, trao đổi để tìm giải pháp cho công tác đào tạo điều dưỡng phù hợp với nhu cầu hội nhập. Đối với thị trường Nhật Bản, từ năm 2014, đã có 470 điều dưỡng Việt Nam được phái cử sang Nhật. Trong số này có 53 người đăng ký làm điều dưỡng, 417 người làm nhân viên chăm sóc người già. Tuy vậy, con số trên là quá nhỏ so với nhu cầu trên 30.000 nhân viên chăm sóc chuyên nghiệp của Nhật Bản trong những năm tới…
Mặc dù rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng nhân lực làm công tác chăm sóc, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh nhưng Nhật Bản và các quốc gia phát triển đều đưa ra tiêu chuẩn rất cao đối với đội ngũ này. Vì vậy, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho ngành điều dưỡng Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu và các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ thông tin về chương trình thực tập sinh kỹ năng về điều dưỡng tại Nhật Bản; trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong quản lý điều dưỡng, thực trạng gia tăng người bệnh đái tháo đường tại Nhật Bản, bữa ăn cho người già, các kỹ năng thực hành vận chuyển người bệnh, chăm sóc phòng chống loét, điều trị đái tháo đường và chăm sóc người già sa sút trí tuệ…