Đôi dòng tâm sự về nghề Điều dưỡng

Thứ hai, 06/05/2024 - 14:14

Đã nhiều lần tôi muốn cầm bút viết đôi dòng cảm xúc về nghề của mình, từ trong sâu thẳm tôi vô cùng yêu quý và tự hào về nghề Điều dưỡng mình đã chọn. Vậy mà, cầm bút lên rồi lại đặt xuống, ý thì có mà sao không diễn đạt được nên lời. Tình cờ quá! Hôm nay đứa cháu con chị gái dù mới học năm cuối trường THCS lại gọi điện hỏi: “Dì ơi, nghề của gì vất vả cực khổ lắm hay sao mà khi con nói con sẽ theo học khối B để sau này làm điều dưỡng như dì thì mẹ con lại không cho, mẹ nói con gái học trường y vất vả, cực khổ, nguy hiểm và sẽ mất đi một phần thanh xuân tuổi trẻ đó…” Nghe cháu nói vừa thương với ý nghĩ vừa non nớt của cháu vừa có phần tự ái với suy nghĩ của chị gái về nghề của mình. Nhưng ngẫm lại chị nói cũng có phần đúng bởi người ngoài ngành chắc chỉ mới nhìn thấy một phần bề nổi của cái nghề mà tôi theo đuổi.

Chưa vội trả lời cháu, tôi chỉ cười và bảo con chỉ lo học cho giỏi đã còn nghề nào cũng có cái ưu và khuyết cả. Nhớ lại những ngày đầu khi tôi chọn ngành học điều dưỡng cả gia đình không ai tin là tôi có thể theo đuổi được cái đam mê này của mình. Ngay cả mẹ và ông ngoại những người đã và đang theo nghiệp blouse trắng cũng cùng suy nghĩ – bởi tôi quá sợ những thứ như: thuốc, kim tiêm, máu mủ…. Vậy mà chỉ với ước mơ được làm “thiên thần áo trắng” tôi quyết định chứng minh cho mọi người thấy lựa chọn của mình đúng và tôi có thể làm được… mới đó thôi tôi cũng đã trải qua những năm tháng sinh viên “rực rỡ”. Ra trường đi làm mang theo giấc mơ màu hồng bao năm ấp ủ giờ đã thành sự thực, gần 15 năm rồi tôi được khoác trên mình chiếc áo bluose trắng hàng ngày tiếp xúc với biết bao bệnh nhân nặng, nhẹ, bao lần đổ mồ hôi, rơi nước mắt… tất cả đã cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc về nghề của mình.

Phải nói thế nào nhỉ ? Đến giờ thì tôi khẳng định được một điều, lựa chọn của mình là đúng, ước mơ ngày nào của mình chính là điều tuyệt vời. Điều dưỡng là như thế nào, ai theo đuổi là người phải biết chấp nhận hy sinh và là người can đảm bởi áp lực công việc không nói nên lời, chìm khuất trong những cơn đau và niềm vui tái sinh của người bệnh, bởi dấn thân chọn công việc cao quý này đồng nghĩa với chấp nhận thiệt thòi cá nhân. Phải thực sự yêu nghề, có năng lực và phải có một tấm lòng nhân hậu mới đáp ứng được yêu cầu của nghề nghiệp… Nghề nào đi nữa cũng cần có chữ “tâm”, nghề Điều dưỡng lại cần thiết hơn khi hàng ngày phải chứng kiến bao cảnh đời bất hạnh, bao căn bệnh hiểm nghèo, công việc vất vả và …chưa được xã hội coi trọng.

Đã có những lần giọt nước mắt tôi lăn dài trên má vì áp lực gia đình, công việc và cả sự bất lực khi chứng kiến một người bệnh không may ra đi… có những đêm dài thức trắng hay những đêm đông lạnh giá, đôi chân mệt rã rời vừa chui mình vào chăn lại phải bật dậy ngay bởi tiếng gọi của người bệnh…đó là niềm vui, hạnh phúc và cả sự vất vả.

Tôi xin kể 1 câu chuyện nhỏ để thấy rằng nghề của chúng tôi tuy vất vã là vậy nhưng cũng có những điều rất đỗi hạnh phúc. Cách đây khoảng 1 tháng sau khi tan làm, đang tất bật ra chợ để lo bữa cơm tối cho gia đình, về đến nhà thấy điện thoại có gần chục cuộc gọi nhỡ, gọi lại thì mới biết đó là bệnh nhân cũ điều trị tại khoa đã 3 năm nay. Chú ấy nói từ Hương Khê xuống thăm người nhà, ko có gì làm quà chỉ mang cho cháu 2 quả mít. Tôi vội quay trở lại cổng bệnh viện khi trời đã nhá nhem tối, trong khi tôi còn ngờ ngợ chưa nhớ ra tên chú – người đàn ông dáng người nhỏ bé, mặc chiếc áo bộ đội cũ, đôi chân thô ráp lọt trong đôi dép rộng. Chú gọi “ dì ơi, chú đây”, tiếng quen của người bệnh gọi cô điều dưỡng, tôi chào chú – chú đổi cách xưng hô “chú gọi con mãi không được định để đây rồi về, khi mô gọi được con ra còn thì lấy mà mất rồi thì thôi chứ xách về nặng lắm”. Nhìn 2 quả mít để trong bì tôi thầm hiểu sức nặng của nó đối với một người đàn ông nhỏ bé như chú. Không thể nói hết nổi xúc động của tôi lúc đó, một cảm giác rưng rưng khó tả, không ngờ một người bệnh lâu năm ko gặp vậy mà còn nhớ đến. Giá trị của nó không nằm ở món quà mà trên đó là tấm lòng của người bệnh dành cho mình. Chỉ chào nhau vài câu rồi chào tạm biệt để chú còn kịp đón chuyến xe buýt cuối ngày về ngược Hương Khê.

Nghề điều dưỡng cũng có những niềm vui nhỏ như vậy nhưng đối với tôi như ánh hào quang vậy đó, không hiểu “nghề chọn người hay người chọn nghề” mà đã gắn với nó thì luôn tận tâm với nghề. Dù có những lúc không tránh khỏi buồn lòng, khó chịu nhưng đành nén lại vì tôi hiểu người đối diện với mình là ai!

Hiện nay, khi đại dịch Covid -19 đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới cũng như trong nước. Đảng, Nhà nước ta cũng như ngành Y tế đang ra sức chống dịch, có những người đồng nghiệp của tôi đang ngày đêm làm việc để chữa trị cho người bệnh, họ phải cách ly với bên ngoài, cả tháng không gặp được gia đình, con cái. Những trang phục bảo hộ nóng nực, bên trong ướt đẫm mồ hôi nhưng không một lời than vãn. Thấu hiểu những điều đó tôi luôn nghĩ rằng nếu dịch bệnh xẩy ra, có người bệnh cần điều trị, thì tôi vẫn sẽ luôn sẵn sàng đến vùng dịch khi có sự điều động của cấp trên, cũng sẽ kiên cường “chiến đấu” như người đồng nghiệp của tôi.

Ai theo nghề điều dưỡng cũng phải là người biết chấp nhận hy sinh và là người can đảm bới áp lực rất cao. Khi bạn chọn học điều dưỡng là chọn con đường gian nan, thiệt thòi, đối diện với nỗi đau của kiếp người….nhưng đổi lại tôi thấy được những niềm vui, ánh mắt biết nói đằng sau những nụ cười và lời cảm ơn của những người bệnh lúc họ được ra viện. Tôi sẽ nói với cháu mình rằng nếu một lần nữa được chọn Dì vẫn mãi chọn nghề điều dưỡng này thôi. Mỗi nghề đều có một niềm vui, chúng ta hạnh phúc biết bao khi cùng đồng nghiệp cứu sống một người bệnh qua cơn hiểm nghèo, cứu một mạng người quý lắm… vì thế nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thực sự thì không nên chọn nghề này. Chặng đường phía trước còn dài nhưng tôi sẽ không bao giờ chùn bước và tôi cũng cảm nhận được ý nghĩa của công việc người điều dưỡng. Đó là một công việc thật cao cả tôi thấy yêu ngành mình đã chọn và sẽ luôn sống hết mình vì nghề, coi bệnh viện là nhà, bệnh nhân là người thân vì chính họ đã trao sinh mệnh của mình cho chúng ta./.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Phượng

Khoa Ngoại Tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh

Nguồn: http://soyte.hatinh.gov.vn/tin-tuc-su-kien/hoc-tap-lam-theo-tam-guong-dao-duc-ho-chi-minh/doi-dong-tam-su-ve-nghe-dieu-duong.html

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Mỗi điều dưỡng là một chiến binh
Mỗi điều dưỡng là một chiến binh

06-05-2024

Dịch vụ điều dưỡng, hộ sinh cung cấp được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là một trong bốn trụ cột của hệ thống dịch vụ y tế. Tại lễ kỷ...

Giảng viên, sinh viên Trường đại học Điều dưỡng Nam Định lên đường hỗ trợ “tâm dịch” Bắc Giang
Giảng viên, sinh viên Trường đại học Điều dưỡng Nam Định lên đường hỗ trợ “tâm dịch” Bắc Giang

06-05-2024

Ngày 28/5, hưởng ứng lời kêu gọi cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh, 54 cán bộ giảng viên là những bác sĩ, điều dưỡng và sinh viên năm thứ 4 (10 giảng...

Công văn VNA gửi Trung tâm Tiếng Việt 123vietnamese
Công văn VNA gửi Trung tâm Tiếng Việt 123vietnamese

06-05-2024

Hiện nay một số Trung tâm ngoại ngữ có biên soạn các cuốn sách dạy Tiếng Việt để phục vụ cho việc học Tiếng việt của người nước ngoài đang sinh...

Công văn của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư về việc sử dụng tên nghề điều dưỡng trong hệ thống phần mềm kê khai thông tin làm thẻ Căn cước công dân gắn chíp
Công văn của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư về việc sử dụng tên nghề điều dưỡng trong hệ thống phần mềm kê khai thông tin làm thẻ Căn cước công dân gắn chíp

06-05-2024

Ngày 16/4/2021 Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam đã có công văn số 12/HĐD gửi Bộ Công An và Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư về việc đề nghị sử...

Hội Điều dưỡng Việt Nam – Ba mươi năm đóng góp xây dựng và phát triển chuyên ngành điều dưỡng
Hội Điều dưỡng Việt Nam – Ba mươi năm đóng góp xây dựng và phát triển chuyên ngành điều dưỡng

06-05-2024

Hội Điều dưỡng Việt Nam – Ba mươi năm đóng góp xây dựng và phát triển chuyên ngành điều dưỡng ThS Phạm Đức Mục – Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt...